Lần ấy hay tin ở Vũng Tàu tổ chức bắn súng thần công, thế là trong một bài viết về du lịch Huế, tôi đã có gợi ý nên tổ chức lễ hội tương tự tại Huế. Bài báo phát hành, tôi có dịp gặp lại người bạn cũ là Tiến sĩ Sử học Đinh Văn Hạnh, hiện là Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tại TP.Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Hạnh bảo: “Rứa ông có biết ai là tác giả của mô hình và nghi thức bắn súng thần công ở Bà Rịa – Vũng Tàu không, là tôi đó”. Rồi Hạnh đùa: “Ông làm báo đi lại nhiều, nếu thấy chỗ mô tổ chức bắn súng thần công thì bảo với mình. Sẽ có tiền uống bia ngay!”.

Đầu thế kỷ này, du khách chán đến Bà Rịa – Vũng Tàu vì nơi đây chỉ mỗi tắm biển và hải sản. Ngành du lịch địa phương rất đau đầu và trong bối cảnh đó, vào dịp Festival Biển 2006, tỉnh đã tổ chức lễ hội bắn súng thần công bằng chính các khẩu pháo thời Nguyễn đang trưng bày tại Bạch Dinh. Năm 2008, 3 khẩu thần công được đúc mới và một năm sau, đề tài “Nghiên cứu thiết kế mô hình súng thần công và phục dựng nghi thức bắn súng thần công ở Bà Rịa - Vũng Tàu” của Tiến sĩ Hạnh và Đại tá Võ Quang Hùng thực hiện được nghiệm thu. Từ năm 2007 đến năm 2013, vào mỗi dịp khai hội văn hóa - du lịch đầu năm hoặc một số sự kiện đặc biệt, nghi thức bắn súng thần công được thực hiện.

Huế tự hào có Cửu vị thần công, tên gọi của 9 khẩu thần công, được đúc vào năm Gia Long thứ hai (1803), nằm ở  phía sau cửa Thể Nhơn và Quảng Đức. Dưới triều Nguyễn, 9 khẩu thần công này thường xuyên có quan quân canh gác và vua cũng thường tổ chức các lễ cúng tế lớn tại đây. Nó được xem vừa là vị thần linh vừa là vật thiêng bảo vệ; đồng thời, là một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng có giá trị cao của kinh thành Huế. Cùng với Vạc đồng và Cửu đỉnh, Cửu vị thần công là bảo vật của quốc gia. Tôi đã gặp rất nhiều du khách đầy ngưỡng mộ và biểu lộ không ít sự tò mò khám phá khi đến cạnh Cửu vị thần công.

Mới đây, bàn về chuyện bắn súng thần công, Tiến sĩ Đinh Văn Hạnh đã đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên bố trí một điểm cố định và dành diện tích xây dựng quần thể pháo đài thần công Việt Nam. Sau khi tham quan, nghe thuyết minh lịch sử, ý nghĩa, tác dụng, du khách sẽ được xem toàn bộ nghi thức khai hỏa, bắn súng thần công. Sức sống của lễ hội bắn súng thần công mới lan tỏa và tạo được thương hiệu riêng. Tôi nghĩ, Huế có thể triển khai ý tưởng này dễ dàng. Ngoài Cửu vị thần công, ngay trong kinh thành Huế đang có một bộ sưu tập súng thần công rất đặc sắc, trong đó có thứ thuộc loại cổ xưa nhất của Việt Nam, tiêu biểu nhất là 3 khẩu súng được đúc từ giữa thế kỷ 17, có xuất xứ từ Hà Lan, do chúa Trịnh đặt mua.

Xung quanh Cửu vị thần kinh là những giai thoại. Ví như tạp chí B.A.V.H từng chép rằng, vua Tự Đức một hôm định đưa Cửu vị thần công ra chiến trường. Quan quân đã cột ngựa rất mạnh để kéo nhưng súng không hề nhúc nhích! Vua nổi giận viết bức thư với lời lẽ trách móc kiên quyết cho quan triều đem đọc trước súng thần công. Tự dưng, ngựa kéo súng bỗng rất nhẹ nhàng… Tôi nghe câu chuyện và nghĩ đến một hành trình khám phá súng thần công. Nó được bắt đầu bằng chuyến tham quan súng, rồi nghe kể chuyện và kết thúc bằng việc xem thần công phun lửa giữa màn đêm huyền thoại ngay ở Cố cung. Lại nghĩ, thay vì bắn pháo vào dịp Tết hay các ngày lễ trọng, Huế có thể cho thần công khai hỏa nơi kinh thành. Sẽ là ý tưởng thú vị và là một sản phẩm du lịch, một hoạt động văn hóa nghệ thuật chỉ có thể tìm gặp nơi miền Hương Ngự.

ĐAN DUY