Phải nói rằng, năng lực kiến trúc các công trình dân dụng trên địa bàn tỉnh có bước phát triển rất mạnh so với cách đây mươi mười lăm năm. Có dịp đi quanh một vòng TP. Huế, chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều công trình được thiết kế đẹp mắt. Chưa nói về công năng sử dụng, chỉ nhìn về hình dáng kiến trúc đã thấy rõ điều này.

Có nhiều nền tảng cho các công trình kiến trúc đẹp ra đời.

Thứ nhất là đội ngũ KTS. Cách đây khoảng 15 năm, tôi có dịp thực hiện liên tục trong nhiều năm một chương trình truyền hình, có tên gọi là “Không gian sống”, mỗi năm 24 số phát sóng trên đài truyền hình địa phương, nhờ vậy nên có dịp được tiếp xúc với nhiều KTS với tư cách là những "chuyên gia" cho chương trình. Thế hệ KTS hồi ấy không nhiều. Bây giờ gặp lại, tất cả những KTS mà tôi gặp cách đây nhiều năm đều đã trưởng thành. Phần lớn họ đều thành lập công ty riêng và làm ăn phát đạt. Nghĩa là có nhiều khách hàng. Nhiều công trình dân dụng đẹp ra đời ở Huế là từ thiết kế của đội ngũ KTS này.

Thứ hai là sự đòi hỏi tính thẩm mỹ ngày càng cao của các chủ nhân công trình. Khi ngành kiến trúc chưa phát triển, nhiều người quan niệm đơn thuần ngôi nhà chỉ là nơi để ở, để che mưa che nắng… thì nay họ đòi hỏi ngôi nhà một không gian “để sống”. Nghĩa là ngoài công năng sử dụng tiện lợi, hợp lý, thoải mái, công trình còn đòi hỏi phải đẹp, phải “thỏa mãn mắt nhìn”, thậm chí là thỏa mãn những cảm xúc, sự thích thú, hưng phấn… cho người sống trong đó. Nói nôm na là nó đã phát triển một bậc về chất.

Tất cả hai điều nói trên được sự hỗ trợ một phần rất lớn của một nền tảng khác, đó là nền tảng kinh tế: kinh tế phát triển, thu nhập của người dân cao hơn. Cùng với sự phát triển kinh tế là sự phát triển của các loại vật liệu xây dựng do công nghệ phát triển. Nó phong phú, muôn hình vạn trạng. Có lần tôi đã thăm một showroom thuộc hàng lớn nhất ở Huế cung cấp các loại vật liệu xây dựng của một doanh nghiệp tư nhân, mà chủ nhân của nó là anh Trần Tiễn Diện. Phải nói là cả một “thế giới vật liệu xây dựng”. Thứ gì cũng có, được sắp đặt trong cả hàng chục ngàn m2 trưng bày. Anh cho biết, mỗi năm có nhiều loại vật liệu mới và hình dáng thiết kế mới ra đời. Ví dụ như gạch lát nền. Trước đây khổ 40 x 40 đã được xem là rộng thì giờ đây đã đạt cả m2. Màu sắc phong phú và đẹp.

Về mặt ưu điểm là vậy. Có nhiều công trình đẹp ra đời đã góp phần rất lớn cho những không gian đẹp ở Huế ra đời.

Tuy nhiên theo người viết bài này, những không gian đẹp này còn ở diện rất hẹp. Có thể hình dung nó “lốm đốm như da beo”. Bởi vậy, tìm một công trình đẹp ở Huế không khó nhưng tìm một không gian có kiến trúc đẹp, đồng bộ, hài hòa là không dễ. Ở đây, có thể hiểu không gian là một con phố, một khu phố. Những khu phố cũ đã trải qua một quá trình phát triển không đồng nhất nên nó có vẻ lộn xộn là điều dễ hiểu. Nhưng ngay cả các khu quy hoạch mới đây, do nhà đầu tư  bán đất nền nên việc thiết kế công trình, muốn công trình có hình dáng như thế nào là thuộc về chủ nhân nên không có không gian kiến trúc đồng nhất. Bên cạnh một công trình có kiến trúc mang dáng vẻ hiện đại thì lại có một công trình có kiến trúc mang hơi hướng “cổ”. Mà cái cổ ở đây cũng “lai Tây, lai Tàu” chứ không phải ta.

Có lẽ, thiết kế không gian đô thị trong bối cảnh hiện nay là một điều không dễ bởi nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Mà cái cốt lõi nhất là trong định hướng phát triển quỹ đất ở. Nhà đầu tư thì muốn phát triển đất nền (có lẽ là để dễ chuyển nhượng) nên không quan tâm đến việc phát triển không gian thế nào. Những quy định về phát triển kiến trúc không gian cũng không rõ ràng và không được quản lý chặt chẽ.

Một không gian đô thị đẹp, ở một góc độ nào đó nó phản ánh được nhận thức thẩm mỹ của cư dân đô thị; tay nghề của đội ngũ KTS; và thậm chí là cung cách quản lý. Bởi vậy, kiến trúc đô thị là một việc rất cần được quan tâm.

NGUYỄN LÊ