Một dự án khu dân cư thương mại cao cấp được xây dựng trong một khu vực kinh doanh ở thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: Reuters

Tốc độ tăng trưởng giảm

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á được công bố ngày 11/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, khu vực châu Á đang phát triển sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2018, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng hồi năm ngoái là 6,1%.

Bên cạnh đó, ngân hàng có trụ sở tại thủ đô Manila (Philippines) cũng cho biết, khu vực này dự kiến tăng trưởng ở mức 5,9% trong năm tới. Khu vực châu Á đang phát triển bao gồm 45 trong số 67 nền kinh tế thành viên của ADB, hiện bao gồm cả các quốc gia ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.

Theo ADB, khu vực này có thể chịu được đa số những cú sốc từ chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng sự căng thẳng thương mại đang gia tăng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng của châu Á.

"Nếu có thêm những động thái và biện pháp trả đũa, sự lạc quan về kinh doanh và người tiêu dùng có thể bị suy yếu, những yếu tố này vốn là nền tảng của triển vọng khu vực", ADB lưu ý.

Hồi tháng trước, chính quyền của Tổng thống Trump đã quyết định áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ, nhằm thu hẹp mức thâm hụt thương mại 375 tỷ USD của quốc gia này với Trung Quốc. Tiếp đó vào ngày 3/4, Mỹ áp dụng mức thuế mới đối với 1.333 sản phẩm Trung Quốc, với trị giá 50 tỷ USD. Trung Quốc đáp trả bằng cách đưa ra thuế nhập khẩu đối với 100 mặt hàng từ Mỹ, cũng trị giá 50 tỷ USD.

Đối với từng nền kinh tế

Bất chấp cuộc chiến thương mại đang hiện ra, ADB nhận định, sự phục hồi thương mại của năm ngoái đã xây dựng các bước đệm cho một số nền kinh tế châu Á, đặc biệt là các nhà xuất khẩu hàng hoá. "Vì vậy, châu Á ở trong một vị thế mạnh mẽ để chịu được hầu hết các cú sốc", ADB nói thêm.

Cũng theo báo cáo trên, Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực chiếm gần 2/3 tổng sản lượng, sẽ tăng trưởng vừa phải ở mức 6,6% trong năm 2018 và 6,4% vào năm 2019, từ mức 6,9% hồi năm 2017; trong bối cảnh các chính sách tiếp tục chuyển sang ổn định tài chính và tăng trưởng bền vững, thay vì kích thích các khoản đầu tư.

Sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ kéo khu vực Đông Á rộng hơn xuống mức tăng trưởng 6% trong năm nay và 5,8% vào năm 2019, từ mức tăng trưởng 6,3% hồi năm 2017.

Mặt khác, Ấn Độ dự kiến​​ phục hồi trong vòng 2 năm tới, khi các doanh nghiệp điều chỉnh theo chế độ thuế mới của nền kinh tế. Nền kinh tế đang phát triển lớn thứ 2 của khu vực dự kiến ​tăng trưởng ở mức 7,3% vào năm 2018 và 7,6% trong năm 2019. Nền kinh tế Ấn Độ giảm tốc độ tăng trưởng kể từ năm 2016, do các tác động kéo dài của chính sách loại bỏ 2 đồng tiền có mệnh giá cao nhất ra khỏi lưu thông hồi tháng 11/2017.

Trong khi đó, khu vực Nam Á được dự kiến ​tăng trưởng ở mức 7% vào năm 2018 và 7,2% trong năm 2019, sau 2 năm giảm tốc.

Tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á sẽ duy trì ở mức 5,2% năm nay, trong bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, khi nhu cầu nội địa tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng cho khu vực. Cụ thể, 8 trong số 10 nền kinh tế khu vực được dự kiến ​​duy trì hoặc vượt tốc độ tăng trưởng của năm ngoái, ngoại trừ Singapore và Malaysia.

Tăng trưởng của khu vực Trung Á ước tính ​​ở mức 4,3% vào năm 2018, so với mức tăng trưởng hồi năm ngoái là 4%. Bên cạnh đó, khu vực Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 2,2% vào năm 2018, trước khi chạm ngưỡng 3% trong năm tới.

Đáng chú ý, báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á của ADB dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 7,1% trong năm nay, trước khi giảm xuống 6,8% trong năm 2019.

Báo cáo kinh tế hàng đầu của ADB đưa ra một phân tích toàn diện về các vấn đề kinh tế vĩ mô ở khu vực châu Á đang phát triển, bao gồm các dự báo tăng trưởng cho cả 45 nền kinh tế.

Với chủ đề năm nay là "Công nghệ ảnh hưởng thế nào đến việc làm", báo cáo cho thấy vai trò của tiến bộ công nghệ và chuyển đổi cơ cấu trong việc tạo ra các việc làm có chất lượng; đồng thời giải quyết mối quan ngại ngày càng tăng rằng, những rủi ro từ tự động hoá được kích hoạt bởi các công nghệ mới có thể làm suy yếu sự tăng trưởng việc làm trong tương lai.

Qua đó, các phân tích của ADB khẳng định, tự động hóa phát triển sẽ thay thế một số việc làm, tuy nhiên những công việc mới sẽ xuất hiện; điều này dấy lên hy vọng, tỷ lệ công việc tốt sẽ không giảm. Việc thay thế công nhân do công nghệ là có thật, nhưng với những kỹ năng, đào tạo và quy định đúng đắn, châu Á có thể vượt qua thách thức này.

LÊ THẢO

(Tổng hợp và lược dịch từ Nikkei, Reuters & ADB)