Nhiều biện pháp phòng trừ rầy đã được áp dụng nhưng vẫn không mang lại kết quả tốt, trái lại việc sử dụng ngày càng nhiều thuốc hóa học trừ sâu để phòng trừ loài dịch hại này đã giảm hiệu quả sản xuất lúa, gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng đó, nhằm tuyển chọn các giống lúa kháng rầy có năng suất và chất lượng cao, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống lúa kháng rầy; đồng thời xác định độc tính và xu hướng phát triển của quần thể rầy hại lúa để sử dụng giống lúa phù hợp tại địa phương, nhóm nghiên cứu của Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế đã nghiên cứu cụm công trình “Tuyển chọn giống lúa kháng rầy và nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp tại Thừa Thiên Huế” từ năm 2008- 2014.

Trong quá trình thu thập 95 giống lúa để nghiên cứu, 11 giống lúa chuẩn kháng rầy và 2 giống lúa chuẩn nhiễm rầy, nhóm nghiên cứu đã xác định được 8 giống lúa (HP01, HP05, HP07, HP10, HP19, HP28, HP29, RNT07) kháng với quần thể rầy nâu và 5 giống lúa (DDT34, Q.Nam1, Q5, PC6 và HP28) kháng với quần thể rầy lưng trắng ở Thừa Thiên Huế. Các giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn- trung, năng suất bình quân trên 50 tạ/ha, chất lượng tốt. Biểu hiện khả năng kháng chống chịu rầy tốt nhất là ở hai địa bàn nghiên cứu Phú Vang và Hương Trà. Công trình nghiên cứu cũng xác định được lượng giống gieo sạ tốt nhất, liều lượng phân bón, tổ hợp phân bón hiệu quả đối với từng giống lúa và từng vùng đất khác nhau. Điều này nhằm hạn chế sự gây hại của rầy trên đồng ruộng, không sử dụng thuốc trừ rầy suốt vụ lúa, nên đã hạn chế được ô nhiễm môi trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, các giống kháng rầy khi sử dụng ở các khu vực khác nhau thường biểu hiện khả năng kháng khác nhau và khả năng kháng thường mất dần sau vài vụ canh tác liên tiếp. Sự khác nhau này do sự thay đổi độc tính của rầy, giống kháng không mất đi khả năng kháng của chúng nhưng quần thể rầy đã hình thành một loại hình sinh học (biotype) mới, có khả năng thích nghi và phá vỡ tính kháng của giống. Nguyên nhân rầy thay đổi độc tính là do quá trình canh tác bất hợp lý trên đồng ruộng như cơ cấu giống kháng không phù hợp, phân bón, mật độ chăm sóc không hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho rầy nhanh chóng hình thành biotype mới, nhất là lạm dụng thuốc trừ rầy đã làm cho tính kháng thuốc của quần thể rầy tăng nhanh.

Từ thực tiễn đó, cụm công trình về rầy hại lúa đã nghiên cứu có hệ thống từ đặc điểm sinh học của rầy, biotype và xu hướng hình thành biotype của quần thể rầy, tuyển chọn giống lúa kháng rầy, các biện pháp canh tác phù hợp, xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất, xây dựng mô hình thử nghiệm và chuyển giao quy trình cho địa phương thực hiện. Việc tuyển chọn giống lúa kháng rầy có ý nghĩa không chỉ trong việc phòng trừ rầy, hạn chế bệnh virus hại lúa, giảm chi phí đầu tư, mà còn góp phần thực hiện chiến lược sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, hạn chế phun thuốc trừ rầy trên đồng ruộng, phù hợp với xu thế sản xuất lúa an toàn và bền vững tại địa phương. Mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội thiết thực, cụm công trình này đã được trao tặng Giải thưởng Cố đô về khoa học và công nghệ, lần thứ III năm 2017 của tỉnh.

Liên Minh