Ảnh minh họa

Tính toán sơ bộ, trung bình Việt Nam phải chi hơn 52 tỷ đồng/ngày để nhập các mặt hàng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật về nước, trong đó hơn 50% (khoảng 26 tỷ đồng là để chi cho nhập mặt hàng từ Trung Quốc).

Mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị nhập khẩu trung bình thuốc trừ sâu từ Trung Quốc giảm 3 tỷ đồng/tháng nhưng giá trị nhập khẩu mặt hàng nhạy cảm này cao khiến nhiều người lo ngại.

Hơn thế nữa, thống kê của hải quan chủ yếu đưa ra con số nhập khẩu chính ngạch của doanh nghiệp, còn lượng lớn thuốc trừ sâu được nhập theo đường tiểu ngạch giữa hai nước là rất lớn.

Về chi phí sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu, tại Hội nghị về phát triển các sản phẩm nông nghiệp và nông thôn được tổ chức cuối năm 2017, các chuyên gia nông nghiệp cảnh báo tình trạng nhập nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu nước ngoài về Việt Nam đóng mác và bán ra thị trường.

Nguy hiểm hơn, các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh, an toàn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng ở trong nước giá bán không thể cạnh tranh với các loại thuốc nhập từ Trung Quốc do chính sách trợ giá và việc làm giả nhãn mác, bao bì từ nước ngoài.

Hết năm 2017, theo báo cáo của hải quan, Việt Nam đã chi hơn 978 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu, trong đó sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc chiếm hơn 50%, ước khoảng 524 triệu USD.

Theo thống kê từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với 4.080 thương phẩm.

Trên thực tế, nhiều năm qua ngành nông nghiệp Việt Nam ngoài nhập thuốc trừ sâu còn nhập cả phân bón lớn từ nước ngoài. Tính đến hết tháng 3/2018, Việt Nam đã chi hơn 262 triệu USD để nhập hơn 940.000 tấn phân bón. Lượng phân bón có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 309.000 tấn, đạt hơn 78 triệu USD.

Trước đó, trong năm 2017, Việt Nam đã phải nhập hơn 4,6 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 1,2 tỷ USD, trong đó phân bón từ Trung Quốc là 1,8 triệu tấn, trị giá hơn 450 triệu USD.

Theo Dân trí