Tại HueWACO, VHDN là tăng cường phủ sóng nước sạch đến vùng sâu, vùng xa. Trong ảnh: Lắp đặt hệ thống nước đến vùng bãi ngang Quảng Điền

Giá trị cốt lõi của DN

Nhiều năm nay, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) đã xây dựng, hình thành “Hệ văn hóa HueWACO”.

Ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ: VHDN mà HueWACO hướng tới chính là thúc đẩy sự sáng tạo, khuyến khích sự đổi mới, lấy con người làm trung tâm, luôn hướng về khách hàng để cung cấp dịch vụ tốt nhất, tiến đến dịch vụ hoàn hảo.

Theo ông Trương Công Nam, để VHDN đi vào cuộc sống và nhận được sự hưởng ứng của người lao động (NLĐ), công ty thường xuyên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để mỗi CBCNV ngấm, thấm và thực hành. Xây dựng VHDN bằng quy định về trang phục và tác phong, quy chế làm việc. Văn hóa giao tiếp, ứng xử được thực hiện theo phương châm “4 xin- 4 luôn” (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn và luôn mỉm cười, luôn giúp đỡ, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu), tạo nên các hành vi văn hóa, văn minh lịch sự trong giao tiếp.

Với cách làm đó, VHDN ở HueWACO đã làm chuyển biến rõ rệt nhận thức và hành động trong tập thể công ty, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh tốt đẹp và uy tín của HueWACO.

Thực tế những năm gần đây, do sự phát triển của nền kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều DN đã quan tâm hơn đến VHDN.

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh thông tin: Ngoài HueWACO đã có những DN điển hình xây dựng được bộ quy tắc ứng xử VHDN như: Công ty CP Dệt may Huế, Công ty Scavi, Công ty CP Dược Trung ương, Viễn thông tỉnh, một số ngân hàng thương mại và các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là nền tảng của NLĐ nhìn vào để xác định việc toàn tâm, toàn ý làm việc, phục vụ cho sự phát triển của DN và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của DN.

Đưa cuộc vận động vào chiều sâu

Để xây dựng VHDN, theo lãnh đạo Công ty Điện lực tỉnh cần phải xây dựng những quy định, quy ước ứng xử, giao tiếp trong từng mối quan hệ, với từng đối tượng phù hợp. Trong đó, nền tảng chung của các quy ước, quy định dựa trên tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Đề cao trách nhiệm cá nhân; không trốn tránh; đối phó, đổ thừa, quanh co hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác; tuân thủ quy trình, quy phạm công tác, không vi phạm các quy định của công ty; trong giao tiếp với khách hàng phải tận tình, chu đáo, lễ phép đảm bảo “ vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

Thời gian gần đây, Hiệp Hội DN tỉnh chú trọng xây dựng VHDN. Yếu tố cốt lõi của xây dựng VHDN là đảm bảo việc làm và điều kiện làm việc; tạo môi trường làm việc vệ sinh, an toàn, xanh- sạch- đẹp, không khí dân chủ, đoàn kết, tương thân tương ái; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ; thực hiện nghiêm các chế độ chính sách, quyền lợi hợp pháp của NLĐ, hỗ trợ NLĐ khi khó khăn, hoạn nạn; xây dựng các thiết chế văn hóa, xã hội và khuyến khích hoạt động nâng cao văn hóa tinh thần, tăng cường thể lực cho NLĐ; sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Dương Tuấn Anh thông tin: Với vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ vận động cộng đồng DN tỉnh tham gia xây dựng VHDN, trước hết là những chuẩn mực trong văn hóa ứng xử với khách hàng, với tập thể lao động, với quê hương đất nước. Là người lãnh đạo DN, chúng tôi sẽ gương mẫu thực hiện các quy chuẩn VHDN, nếp sống văn minh; liêm chính, trung thực, công bằng, minh bạch trong lãnh đạo và điều hành DN. Đồng thời, quan tâm và có trách nhiệm lãnh đạo, quản trị quá trình xây dựng và phát triển VHDN vì chính VHDN sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh vô cùng quan trọng cho DN nếu biết xây dựng và phát triển được một nền tảng VHDN mạnh và ngày càng nâng cao uy tín của mình trên thương trường.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 6.000 DN đang hoạt động và dự kiến đạt 6.500 DN vào năm 2020. Hàng năm, UBND tỉnh sẽ tổ chức bình chọn, tôn vinh danh hiệu “DN văn hóa” cho các DN tiêu biểu, xem đây là động lực để người sử dụng lao động luôn nâng cao ý thức đối với việc xây dựng VHDN.

Bài, ảnh: Thái Bình