Hệ thống cáp mạng trong một phòng máy chủ. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, một số nước chọn việc tạo nên các rào cản kỹ thuật số ngăn chặn dòng chảy dữ liệu qua biên giới. Luật bản địa hóa dữ liệu là các luật được ban hành để đảm bảo dữ liệu thu được trong một quốc gia chỉ được lưu trữ, xử lý và sử dụng tại quốc gia đó và không thể chuyển sang nước khác.

Hai xu hướng đối lập

Như thường thấy, vấn đề này cũng có hai phía đối lập. Những nước ủng hộ luật bản địa hoá dữ liệu cho rằng, những quy định như vậy rất quan trọng để bảo vệ sự riêng tư của công dân trong nước, thường bắt nguồn từ nguyên tắc chủ quyền quốc gia là xâm phạm dữ liệu của người dân có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Trong 10 nước ASEAN, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam có luật bản địa hoá dữ liệu. Các quốc gia như Thái Lan và Philippines cũng có luật riêng về dữ liệu riêng tư. Ngược lại, Singapore không theo đuổi việc nội địa hoá dữ liệu mà thay vào đó lại có cách tiếp cận tập trung vào việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và tạo ra một “hệ sinh thái kỹ thuật số” bền vững, cho phép các ngành công nghiệp dựa vào dữ liệu phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Quốc gia này cho rằng, các rào cản trong trao đổi dữ liệu có thể gây tổn hại đến kinh tế, tương tự như các biện pháp thuế quan và phi thuế quan trong việc lưu thông tự do hàng hoá và dịch vụ. Theo đó, luật bản địa hoá dữ liệu có thể cản trở những nỗ lực hướng tới mục tiêu tăng cường nền kinh tế kỹ thuật số khu vực trong năm nay.

ASEAN nên làm gì?

Trong bối cảnh đó, các quốc gia thành viên ASEAN nên cố gắng phát triển các luật bảo vệ quyền riêng tư của quốc gia để giải quyết các mối quan ngại. Sau đó, các luật này có thể được thống nhất ở cấp độ khu vực, tạo ra một khuôn khổ pháp lý ASEAN một cách có hiệu quả, cho phép dữ liệu được lưu chuyển tự do nhưng có sự kiểm soát và cân bằng cần thiết để đảm bảo không có chuyện bị lợi dụng.

ASEAN có thể áp dụng Hệ thống quy tắc bảo mật xuyên biên giới (CBPR) - một hệ thống yêu cầu các doanh nghiệp tham gia phát triển và thực hiện chính sách bảo mật dữ liệu phù hợp với Khung bảo mật APEC.

Đối mặt với những thách thức của thế kỷ 21, các nước ASEAN sẽ phải đối mặt với những cuộc tấn công nguy hiểm có thể gây lo ngại, nhưng điều đó không thể cản trở những tiến bộ trong thời đại kỹ thuật số ngày càng phụ thuộc vào phân tích dữ liệu. Do đó, vấn đề là phải tìm ra một nền tảng trung gian để có thể tiến hành thay đổi thế giới, có luật để bảo vệ các nước chống lại những kẻ khai thác dữ liệu xuyên biên giới.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ The ASEAN Post)