Ứng xử văn minh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị là điều được nhắc đến thường xuyên hơn những năm gần đây. Có những điều xem ra rất nhỏ, tưởng chừng ai cũng dễ dàng làm được trong ứng xử hằng ngày. Thế nhưng...

Có vô vàn tình huống phản cảm trong cách hành xử của người đi đường. Một chiếc ô tô láng coóng, lướt nhẹ qua mặt, trên một cung đường trung tâm TP. Huế, chưa kịp nhìn thì từ trong xe màn kính cửa hạ xuống, một đứa trẻ ngay lập tức thả vỏ hộp sữa xuống đường. Người cầm lái ngồi trong xe là một phụ nữ chừng tuổi 30, trẻ xinh, đeo kính với dáng dấp sang trọng vẫn cười đùa nói chuyện với đứa trẻ. Cánh cửa kéo lên theo tốc độ của những vòng xe, người phụ nữ vẫn cười đùa cùng đứa trẻ. Không biết câu chuyện giữa người phụ nữ và đứa trẻ ấy là gì, nhìn vỏ hộp sữa nằm lăn lóc giữa con đường sạch sẽ mà ấm ức với cách hành xử kia.

Rồi nhiều lần ở những ngã 4 có đèn tín hiệu giao thông tôi gặp rất nhiều bạn trẻ phát tờ rơi để quảng cáo cho một chương trình khuyến mãi, lớp học năng khiếu, hay những gói vốn vay tín dụng... Mỗi khi chờ đèn tôi quan sát rất kĩ, trong số những người đi đường khi được phát tờ rơi có người từ chối, có người nhận rồi nhét vội vào túi áo, nhưng ngược lại có người vừa cầm trên tay là vứt xuống đường. Khi hết đèn đỏ, dòng xe vụt đi cũng là lúc những tờ rơi ấy bay lả tả trên mặt đường. Việc phát tờ rơi giữa phố không được phép, nhưng tôi cũng đọc trong ánh mắt của những người nhận rồi xả tờ rơi ấy một sự vô cảm với cộng đồng, giữa những đồng tiền mà chính bản thân mình phải đóng vào để trả cho người lao công quét rác.

Có khi nào bạn bị một bãi nước bọt từ đâu đó trên đường phố bay vào mặt trước sự ngỡ ngàng và tức tối chưa? Thật không có thứ ngôn ngữ nào có thể diễn tả được khi gặp phải trường hợp này. Tôi đã từng là nạn nhân. Trong một buổi sáng sớm vội vã chạy xe cho kịp giờ làm việc, trên đường đi tôi phải hứng trọn một bãi nước bọt từ người đàn ông đứng tuổi vừa lao vụt qua trong chớp mắt. Tôi không hiểu người đàn ông ấy có mang trong mình mặc cảm tội lỗi không, cứ thế không một lời xin lỗi, sau ánh mắt ngoái nhìn lại lao đầu về phía đám đông. Lại một lần nữa tôi phải đặt ra câu hỏi ý thức làm ảnh hưởng trực tiếp đến một ai đó, và xa hơn là cả một cộng đồng nếu xảy ra những cuộc giằng co, cãi vã, thậm chí hỗn chiến. Tất nhiên, đã có những câu chuyện thương tâm được đánh động trước đó.

Sẽ rất khó tranh luận nếu mỗi hành vi hay thói quen cá nhân không phù hợp chưa được chính bản thân người gây ra tự chỉnh sửa. Và khi mà cả cộng đồng đang tích góp cho mình những thói quen hay hành vi đi theo một khái niệm văn minh đô thị, thì những người ấy phải tự đặt câu hỏi cho chính bản thân mình để thay đổi hoặc tự loại mình sang bên rìa của... ý thức.

NHẬT MINH