Tìm hiểu phong tục người Nhật tại Ngày hội việc làm

Làm thêm ở xứ người

Thị trường du học ở Huế bắt đầu sôi động khi  nhiều học sinh “săn học bổng” hoặc bỏ tiền túi để du học. Mỗi phụ huynh đều có lý do riêng. Người thì hy vọng con bước chân ra thế giới sẽ học được những điều tốt đẹp từ các nước văn minh có nền giáo dục tiên tiến. Có phụ huynh hy vọng du học như một phép nhiệm màu, có thể thay đổi tính nết những đứa con ngang bướng. 

Người giỏi “săn” được học bổng toàn phần đi du học đã đành, học sinh có vốn tiếng Anh kha khá tìm học bổng từ 30% -60% cũng không ít. Nhiều gia đình có điều kiện đóng trọn gói 100% học phí để con sang trời Tây du học. Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2017, toàn tỉnh có 170 học sinh THPT du học tại Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ.

Không phải nhà nào cũng rủng rẻng “hầu bao” cho con du học, có nhà bố mẹ tiết kiệm cả đời mới có ít tiền hỗ trợ cho con trong một, hai năm đầu học ở xứ người. Đa số học sinh vừa học, vừa làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Công việc các em thường làm là giao phát báo, phục vụ nhà hàng, bưng bê, tạp vụ, quét rác… Tuy nhiên, học sinh du học tự túc gặp nhiều khó khăn khi phải làm thêm. Ở các nước phát triển, học sinh học qua tư duy, học bằng thực hành, học làm việc độc lập và cả kết hợp nhóm, với lượng kiến thức rộng. Thế nên, nhiều em chưa thích nghi với phương pháp mới, lại phải làm thêm để kiếm sống nên đuối sức. Chưa kể, tìm kiếm việc làm ở xứ người không hề dễ. Kết nối qua Facebook với Nguyễn Hoàng Anh (TP. Huế), đang du học ở Nhật, em cho biết: “Em theo diện học tự túc nên số tiền học phí gần 300 triệu đồng. Trước khi đi, các công ty tư vấn thông tin, sẽ có việc làm thêm với mức lương 30-40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, em giao tiếp tiếng Nhật chưa tốt nên không kiếm được việc làm. Tiền mang theo cứ cạn dần, đi học lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị đuổi học”.

Tràn lan công ty môi giới

Tin tức về người Việt trộm cắp trên nước Nhật gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn “đem con bỏ chợ” của một số công ty tư vấn du học. Nhiều người cho con đi du học theo kiểu quen biết, người nọ, giới thiệu cho người kia. Thế nên, nhiều người không thẩm định các đơn vị mà mình “chọn mặt, gửi vàng” có được cấp giấy phép hay không. Phần lớn, các trung tâm tư vấn du học trên thị trường chỉ là nhà cung cấp dịch vụ cho đến khi học sinh nhập học. Họ không có trách nhiệm và chuyên môn để giúp đỡ học sinh trong quá trình học hay khi cần thiết có những điều chỉnh so với kế hoạch ban đầu.

Chị Nguyễn Thị Nghĩa (Vinh Thanh, Phú Vang) bức xúc:  “Tôi được người quen giới thiệu làm việc với một công ty du học ở Hà Nội. Theo cam kết, sau khi sang Úc, con tôi sẽ có chỗ trọ tốt, có việc làm ngay sau hai tuần. Nhưng, con gái tôi phải khốn đốn tìm chỗ ở trọ và xoay sở xin việc làm thêm, không khác gì một người di trú. May mắn, con tôi được một số Việt kiều hỗ trợ nên không bơ vơ ở xứ người”.

Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin: Thừa Thiên Huế vẫn chưa phát hiện tình trạng học sinh du học gặp sự cố cần can thiệp. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn yên tâm vì phụ huynh đưa con em đi du học ở nhiều kênh khác nhau, rất khó quản lý. Vẫn có nhiều nguy cơ khi thông tin về tư vấn du học chưa đa dạng, chưa được kiểm định đầy đủ và chưa đảm bảo an toàn. Cơ quan cấp phép mã ngành hoạt động dịch vụ tư vấn du học cho các tổ chức nhưng không quy định thời hạn phải tiến hành hoạt động. Vì vậy, các tổ chức dịch vụ tư vấn du học này hoạt động hay chưa hoạt động, cơ quan chủ quản không hay biết.

Theo thống kê của ngành giáo dục, số đơn vị đăng ký có mã ngành tham gia hoạt động dịch vụ tư vấn du học trên địa bàn tỉnh là 282 nhưng chỉ có 15 đơn vị được cấp phép. Thế nên, dẫn đến tình trạng một số tổ chức dịch vụ tư vấn du học cung cấp thông tin về các trường học, khóa học chưa thật sự rõ ràng, chưa cập nhật thông tin đầy đủ, thường xuyên về tình hình học tập và việc làm thêm của học sinh.                   

Giải pháp được Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra là tiếp tục hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học cũng như nắm số đơn vị cấp phép trong lĩnh vực này. Ngành giáo dục phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra hoạt động dịch vụ tư vấn du học để có biện pháp quản lý; đồng thời, thông báo rộng rãi các tổ chức dịch vụ tư vấn du học đã được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận để người dân biết.

Bài, ảnh: Huế Thu