Từ lâu, cư dân trong khu phố đã quen với hình ảnh của đôi vợ chồng nọ, sáng sáng tay trong tay trên đường đi bộ. Ông cụ lúc nào cũng nghiêm chỉnh với bộ quần áo đóng thùng. Bà cụ thì giản dị với bộ bà ba truyền thống. Gặp ai trên đường, hai cụ cũng khẽ gật đầu chào, thân thiện, từ tốn.

“Hai ông bà ấy kỳ thiệt. Già rồi mà dính nhau như sam”. Người ta buột miệng, khi thấy đôi vợ chồng già líu lo bên nhau. Không biết họ nói chuyện gì mà lúc nào cũng ríu rít như trẻ nhỏ.

Bẵng đi một dạo, không thấy bóng dáng hai cụ. Nghe đâu ông cụ bị ngã, gãy chân, phải vào viện.

Ít lâu sau, lại thấy họ vào mỗi sáng. Cái chân gãy của cụ ông  như còn đau, bước đi khập khiễng. Lưng cụ bà thì như còng hơn. Một tay cầm gậy, một tay níu vợ, bước chân của họ chật vật. “Ráng chút nữa, thêm vài bước thôi”-cụ bà dỗ dành, dìu ông từng bước như dắt trẻ. 

- Con cháu đâu mà thấy hai bác một mình?

- Tôi có đến 9 đứa con. Chúng nó đủ lông đủ cánh, đều có cuộc sống riêng. Mà con chăm cha không bằng bà chăm ông- Cụ bà giải thích, vẻ bình thản.

- Hai cụ chắc tâm đầu ý hợp lắm?

- Cũng không hẳn. Chén bát trong chạn lâu ngày còn va nhau nữa là. Nhưng nghĩa vợ chồng nó lớn lắm - Cụ bà trải lòng.

Mười tám tuổi lấy chồng, làm dâu cả trong một gia đình nghèo đông con, rồi chèo chống nuôi 9 người con đủ lông đủ cánh, hẳn cuộc đời của ông bà không thể thiếu những gian truân, nhọc nhằn…

Trong ánh bình minh rạng rỡ, đôi vợ chồng già ngồi nghỉ bên vệ đường. Bà cụ lấy khăn, nhẹ nhàng thấm những giọt mồ hôi cho chồng. Nhìn họ, tôi chợt thấm thía nghĩa của từ “bạn đời”.

Nhật Nguyên