Một trung tâm dịch vụ thương mại khá lớn đang được xây dựng ở Huế. Khi công trình dần đi vào hoàn thiện cũng đồng thời công tác tuyển dụng nhân sự ở các vị trí công việc diễn ra. Đi nhiều nơi trên đường phố Huế, chúng ta dễ dàng bắt gặp những biển thông báo tuyển dụng lao động cho trung tâm thương mại này. Qua những thông tin không chính thức, có không ít nhân sự đã từng làm việc cho các trung tâm thương mại khác hoặc từng làm việc trong lĩnh vực dịch vụ thương mại đã "đầu quân” về đây.

Khi có thị trường lao động thì sự chuyển dịch lao động là chuyện bình thường. Điều đáng nói là khi quy mô thị trường càng lớn, càng có nhiều sự lựa chọn cho người lao động. Trong thị trường này, những lao động có kỹ năng cao, có kinh nghiệm trong một chuyên ngành nào đó sẽ có nhiều lợi thế.

Trong ngành dệt may, với hơn 50 nhà máy đang hoạt động trên địa bàn và có xu hướng nhiều nhà máy mở rộng quy mô sản xuất, điều này ngoài tạo ra nhiều công ăn việc làm mới sẽ kích thích cho một sự chuyển dịch lao động từ nơi này sang nơi khác.

Để thu hút những lao động có kỹ năng cao, bao giờ cơ sở sản xuất, dịch vụ ra đời sau cũng tạo một điều kiện làm việc, môi trường lao động, lương bổng ít nhất là ngang mặt bằng chung hoặc cao hơn. Như vậy, chúng ta có thể thấy, khi thị trường lao động phát triển ở quy mô đủ lớn, chính nó là động lực cho người lao động hoàn thiện kỹ năng làm việc. Một sự tác động qua lại như vậy sẽ ngày càng nâng cao mặt bằng chung kỹ năng làm việc của người lao động lên một mức cao hơn. Từ đó sẽ làm cho năng suất lao động cao hơn, chi phí sản xuất thấp hơn, tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Về phía người lao động, họ cũng có nhiều sự lựa chọn nên cái gọi là “chèn ép” người lao động cũng ít hơn. Đó là cái lợi của một thị trường nguồn nhân lực phát triển, cạnh tranh.

Tôi có một người quen mới tốt nghiệp đại học kinh tế kế toán, vừa vượt qua kỳ thi tuyển dụng và làm việc ở một ngân hàng tại TP. Huế. Em kể, khi được nhận vào, em đã ký một hợp đồng lao động với thời gian 4 tháng, với mức lương cụ thể. Trong hợp đồng có một mục thỏa thuận là trong thời gian 4 tháng đó, nếu tự ý bỏ việc sẽ phải đền hợp đồng lao động. Trước đây, thường một người đi tìm kiếm việc làm, gọi là đi “xin việc”. Khái niệm này mang tính chất bao cấp, có vẻ như người lao động hoàn toàn yếu thế. Còn nay, cách nhìn nhận đã khác. Qua câu chuyện vừa kể, chúng ta thấy rằng, nơi tuyển dụng lao động cũng rất mong muốn sự ổn định nguồn nhân lực, một khi nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc. Vì sao có được điều này? Là vì thị trường lao động ở lĩnh vực ngân hàng khá phát triển, đòi hỏi cao một lượng nhân lực lao động.

Đã nói đến thị trường, bất cứ thị trường gì thì nó cũng có một cơ chế tự điều chỉnh theo qui luật cung cầu và giá cả. Tuy nhiên ở đây vẫn có vai trò điều tiết của Nhà nước bằng các định hướng và thông qua chính sách. Nhà nước phải tạo ra môi trường và các chính sách đảm bảo cho thị trường lao động phát triển. Nhất thiết phải thống kê và biết được sự chuyển dịch lao động của một nền kinh tế, một ngành diễn ra như thế nào, mới có cơ chế chính sách đúng để tác động. Có như thế nền kinh tế mới trở nên năng động.

LÊ NGUYỄN