Đua thi lớp 10 bằng bài thi tổ hợp, thí sinh học bở hơi tai - Ảnh 1.

Thí sinh dự tuyển sinh vào lớp 10 ở Hải Phòng năm 2017 - Ảnh: ĐỨC TIẾN

Nhiều phụ huynh, giáo viên bày tỏ lo lắng về việc học sinh bị quá tải khi phải thi 6-9 môn, trong khi áp lực học tập hiện tại ở bậc THCS đã và đang rất căng.

Từ 3 môn lên 9 môn

Nam Định là tỉnh đầu tiên sử dụng bài thi tổ hợp để tuyển sinh vào lớp 10 năm 2016. Thay vì thi hai môn văn, toán hay ba môn ngữ văn, toán, tiếng Anh, tỉnh Nam Định quyết định học sinh phải thi... 9 môn trong chương trình THCS. Trong đó, học sinh thi hai bài độc lập là toán, ngữ văn. 

Bài thi tổ hợp gồm bảy môn: vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, sinh học và ngoại ngữ. Bài thi độc lập chấm theo thang điểm 10. Bài thi tổ hợp chia tỉ lệ 4 điểm cho phần thi ngoại ngữ, 6 điểm cho 6 môn còn lại. 

Ngoài kiến thức chương trình THCS, đề thi của Nam Định có "cài" các câu hỏi liên hệ thực tế địa phương.

Ông Bùi Văn Khiết - trưởng phòng giáo dục phổ thông Sở GD-ĐT Nam Định - giải thích thi tổ hợp để học sinh phải học toàn diện, chống việc các nhà trường, giáo viên cắt xén chương trình. 

"Qua các đợt kiểm tra, Sở GD-ĐT Nam Định phát hiện học sinh cuối cấp chỉ chú trọng học ba môn chính là ngữ văn, toán, tiếng Anh. Còn có hiện tượng giáo viên môn phụ cho giáo viên các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh xin giờ để ôn tập" - ông Khiết nói.

Năm 2017, Hải Phòng thí điểm tổ chức thi tuyển vào lớp 10 với 9 môn tương tự Nam Định. Khi đó, học sinh được thông báo muộn phương thức thi mới nên bị sốc. Sau đó, cha mẹ đua nhau "đẩy" con vào "lò" luyện thi. 

Để giảm áp lực, Sở GD-ĐT Hải Phòng giãn lịch thi muộn hơn nhưng vẫn không giảm được độ nóng. Kỳ thi bị dư luận phản ứng, áp lực dư luận khiến Hải Phòng phải điều chỉnh phương án thi năm 2018.

Nhiều tỉnh áp dụng

Năm nay, Nam Định vẫn duy trì thi tổ hợp. Ninh Bình cũng áp dụng phương thức thi như Nam Định với toán, ngữ văn và bài tổ hợp. Bài tổ hợp của Ninh Bình có 50 câu (tiếng Anh có 20 câu). 

Tại Hải Phòng, trước áp lực của phụ huynh, năm nay điều chỉnh phương án tuyển sinh vào lớp 10, học sinh sẽ thi ba môn ngữ văn, toán và bài thi tổ hợp (tiếng Anh và một trong các môn vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Việc chọn tổ hợp môn thi sẽ theo hình thức bốc thăm.

Tuy giảm từ 9 xuống còn 4 môn thi nhưng áp lực với học sinh chưa hạ nhiệt vì vẫn học đủ các môn. Việc bốc thăm chọn môn chính thức trong bài thi tổ hợp thực hiện vào tháng 4. 

Như vậy, tới thời điểm này học sinh mới biết chắc sẽ thi tổ hợp môn nào để ôn tập. Cụ thể là sau khi bốc thăm, đầu tháng 4 năm nay học sinh Hải Phòng mới biết sẽ thi tổ hợp tiếng Anh và vật lý cùng với hai bài thi độc lập là toán, ngữ văn.

Nghệ An cũng từng bị dư luận phản ứng khi công bố phương thức thi tuyển sinh vào lớp 10 theo tổ hợp nhưng vẫn quyết tâm thực hiện. Vĩnh Phúc cũng vừa thay đổi phương thức thi trong đó có bài thi tổ hợp. 

Hai tỉnh này chọn cách làm như Hải Phòng năm nay nhưng có lộ trình để học sinh làm quen. Vĩnh Phúc "dè dặt" hơn với bài thi tổ hợp gồm tiếng Anh, sinh học, lịch sử được ấn định cùng hai bài thi độc lập toán, ngữ văn.

Tháng 4/2018, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố phương án đổi mới thi tuyển sinh vào lớp 10 năm sau. Hà Nội công bố trước một năm để học sinh chuẩn bị. Tuy nhiên, việc đổi mới với bài thi tổ hợp gồm bốn môn cũng gây "sốt" trong dư luận. 

Học sinh sẽ phải làm một trong hai bài thi tổ hợp gồm ngoại ngữ, vật lý, lịch sử, giáo dục công dân và ngoại ngữ, hóa học, sinh học, địa lý. Thi vào tổ hợp nào sẽ công bố vào tháng 3 hằng năm. 

Giải thích về sự thay đổi này, ông Phạm Văn Đại - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - cũng đưa ra lý do chống học tủ, học lệch và cắt xén chương trình, đảm bảo giáo dục toàn diện.

Phụ huynh, giáo viên lo lắng

Sau khi Hà Nội công bố phương thức thi mới, có hàng trăm câu hỏi của học sinh được gửi về Sở GD-ĐT bày tỏ lo lắng. Băn khoăn lớn nhất là học sinh bị quá tải khi phải thi 6-9 môn thi, trong khi áp lực học tập hiện tại ở bậc THCS đã và đang rất căng.

Một giáo viên ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội) bày tỏ: "13 môn học, trong đó tần suất các bài kiểm tra ở bậc THCS rất dày khiến học sinh bị quá tải. Ở lứa tuổi THCS, trẻ đang phát triển tâm sinh lý nên có nhiều biểu hiện phức tạp. 

Áp lực học tập và thi như thế này thì thầy, trò chỉ còn đủ thời gian để ôn luyện các môn học, không còn chỗ cho các hoạt động giáo dục cần thiết khác nữa".

TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cũng cho rằng muốn đổi mới cách dạy học thì phải thay đổi cách thi cử, đánh giá. Tuy nhiên cần phải có thời gian đủ cho các nhà trường chuyển động để tránh việc dồn áp lực vào đợt ôn tập cuối.

Ở nhiều tỉnh đã bùng phát dạy thêm, học thêm với phương thức thi tổ hợp. Ông Lê Ngọc Quang - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - nói để giảm bớt tình trạng này, sở sẽ công bố đề thi minh họa sớm và chỉ đạo việc dạy học, ôn luyện sát sao hơn ở trường THCS. 

Còn tại Hải Phòng, cơn sốt luyện thi từng làm cho nhiều học sinh rơi vào cảnh ngột ngạt khi một ngày học đến 4-5 ca khác nhau. Nhiều địa chỉ luyện thi của Hải Phòng trong mùa thi trước sáng đèn đến 24h.

Băn khoăn đề thi

Hầu hết các tỉnh chọn hình thức trắc nghiệm cho bài thi tổ hợp nhưng dư luận băn khoăn về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để đảm bảo vừa sức, đạt yêu cầu các mức độ nhận thức của học sinh.

Việc tổ chức thi nhiều môn, làm đề thi không chặt chẽ sẽ dễ xảy ra sai sót, thiếu công bằng đối với học sinh. Chưa kể bảo mật đề thi là "điểm yếu" của một số tỉnh, thành trong các kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Đơn cử Hải Phòng từng có những sự cố về đề thi ngay khi kỳ thi mới chỉ tổ chức với hai môn.

Theo Tuoitre