Đua ghe
Cũng trong những ngày diễn ra Festival Huế 2018, Giải đua ghe truyền thống trên sông Hương chào mừng Festival Huế lần thứ X năm 2018 do Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức sẽ khai mạc vào lúc 6h30 ngày 02/5/2018 hứa hẹn thu hút đông đảo người dân đến hai bờ sông Hương để theo dõi, cổ vũ...
Cùng với môn vật truyền thống tổ chức vào những ngày xuân, đua ghe trên các dòng sông ở Thừa Thiên Huế là môn thể thao có lịch sử lâu đời nhất, gắn liền với đời sống người dân sông nước và luôn được người dân say mê cổ vũ. Nếu môn vật chỉ tổ chức vào những ngày đầu năm thì đua ghe được tổ chức quanh năm, trải dài suốt cả 4 mùa.
Có những vùng quê ven các con sông ở Thừa Thiên Huế tổ chức lễ hội đua ghe khi mùa mưa về; bởi khi đó, nước các con sông mới thật đầy, đua ghe mới đã. Thứ hai, mùa mưa cũng là mùa nông nhàn khi tất cả cánh đồng đã gặt xong, phải chờ đến mùa đông mới vào vụ lúa mới. Nhưng có một lý do quan trọng hơn cả là dịp đua ghe này cũng là lúc để các trai tráng ở các làng quê và kể cả những chị em phụ nữ nữa ôn lại các “ngón chèo” của mình để sẵn sàng ứng phó với những cơn lụt bão tràn về quê nhà mỗi năm.
Tôi vẫn còn nhớ có lần ra Phong Bình, một xã vùng trũng ven sông Ô Lâu chứng kiến lễ hội đua ghe trên sông dòng sông này. Ngay từ sáng sớm, người dân hai ở các làng quê ven sông đã đứng đông nghịt hai bên bờ xem đua ghe. Ở dưới lòng sông các hộ gia đình của các làng chài sống dọc theo sông Ô Lâu cũng chạy đò tới xếp thành từng cụm đò cổ vũ cho các đội đua. Thích nhất là cảnh mấy o đừng trên đò, lấy nón ra để vẫy cổ vũ cho ghe đua của mình, say mê đến độ nón rách khi mô chẳng biết…
Mà đua ghe không chỉ là một trò chơi thể thao sông nước đơn thuần; đó còn là một hoạt động thể thao mang màu sắc nghi lễ dân gian đối với những người dân sông nước. Bao giờ cũng vậy, trước ngày đua ghe, những bạn đua cùng nhau vác chiếc ghe của mình đến miếu thờ thành hoàng làng. Người đứng ra chủ tế chính là ông bầu ghe. Ông mặc áo dài khăn đóng, nghiêm cẩn thắp nén nhang thơm tiến hành nghi thức cúng tế trang trọng, với lễ vật là một buồng cau trầu, mấy chai rượu trắng, cái đầu heo thêm con gà… Sau nghi thức cúng tế thần làng, thần sông, những lễ vật này dùng để các bạn ghe khao quân cho cuộc đua vào ngày mai…
Cũng vì tính chất nghi lễ này mà hội đua ghe trên các con sông ở Huế thường bắt đầu bằng “độ cúng”. Đội thắng cuộc của độ đua đầu tiên chỉ được buồng cau, chai rượu nhưng các bạn đua đều cho biết, chiến thắng vinh quang nhất là ở “độ cúng”, sau đó mới đến “độ phá” giành cờ luân lưu và các “độ tiền”. Sau khi chiến thắng, các tay đua được ông bầu ghe phát mỗi người một miếng cau trầu, rồi làm thêm cút rượu thấy người thêm sung sức để tiếp tục vững tay chèo các độ đua mới…
Đua ghe là môn thể thao tập thể đòi hỏi người tham gia chơi trước hết là người có sức khỏe, biết bơi, biết chèo; nhưng quan trọng của trò chơi này chính là sự nhịp nhàng, đồng điệu của cả đội đua. Người cầm lái là người cầm mái chèo lớn nhất đứng ở đuôi ghe cũng được xem như là “nhạc trưởng” của đội đua, vừa chỉ huy các tay chèo lại vừa điều khiển hướng đi của ghe, nhất là khi lộn vè rốn, đòi hỏi phải khéo léo, dứt khoát và dũng cảm nữa… Nếu trong đội đua gồm 7 người có ai lơi tay chèo, lập tức người cầm lái nhắc nhở thậm chí là quát nạt để đảm bảo cho tốc độ và nhịp điệu lướt sóng của ghe mình…
Những hội đua ghe trên các con sông ở Huế luôn được người dân sông nước cũng như tất cả người dân trong vùng chờ đợi. Những chiếc ghe lao nhanh với mỗi độ đua là “3 vòng 6 tráo” dành cho nam và “2 vòng 4 tráo” dành cho nữ. Nét đẹp khỏe khoắn, tươi tắn của những tay chèo làm cho dòng sông như khoác lên mình một chiếc áo tươi mới tràn trề sức sống. Và niềm vui giành chiến thắng của những đội ghe không chỉ trong thoáng chốc mà nó còn mang theo niềm hy vọng cho những cư dân sông nước về khát vọng chinh phục thiên nhiên, về những ngày mưa thuận gió hòa, trời yên nước lặng để những chuyến đánh bắt tôm cá luôn hanh thông, thuận lợi…
Bài, ảnh: THANH PHI