Môi trường sống của chúng ta đang ngày càng bị ô nhiễm nặng nề, diễn ra từ nông thôn đến thành thị; từ lĩnh vực sản xuất đến tiêu dùng, do cả các tổ chức, doanh nghiệp lẫn từng cá nhân. Trên phạm vi toàn cầu, nhiều nước chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế bất chấp hậu quả huỷ hoại môi trường. Ở trong nước, vì lợi ích kinh tế trước mắt nhiều nơi đã cơ bản hoàn thành “sự nghiệp” phá rừng; có doanh nghiệp xả thải độc hại thẳng ra môi trường (như Vedan, dệt may Thái Tuấn) hoặc nhẫn tâm đầu độc cộng đồng bằng cách chôn thuốc trừ sâu dưới lòng đất (Công ty Nicotex Thanh Thái- Thanh Hoá). Trong cuộc sống hàng ngày, không ít người để giữ sạch đẹp cho nhà mình họ lại đem rác thải vất sang vườn hàng xóm hoặc đổ bừa bãi ra những nơi công cộng. Lối sống ích kỷ đó không chỉ gây ô nhiễm môi trường xung quanh và chính họ phải gánh chịu hậu quả.

Bởi, khi môi trường xung quanh ô nhiễm, họ là người phải trực tiếp hít thở không khí ô nhiễm, bị côn trùng tấn công từ bữa ăn đến giấc ngủ. Với doanh nghiệp, họ không chỉ thiệt hại về vật chất để khắc phục hậu quả môi trường, mà còn ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, bị người tiêu dùng tẩy chay… Hậu quả đó nói cho cùng đều do con người gây ra và chính con người phải có trách nhiệm là cho môi trường sạch hơn.
 
Để góp phần làm cho thế giới sạch hơn có rất nhiều việc cần phải làm và ai cũng có thể tham gia bằng những việc làm cụ thể, đơn giản, thiết thực ngay tại nơi mình sinh sống, như thu gom, xử lý và tái chế chất thải, trồng cây xanh, sử dụng tiết kiệm nguồn nguyên, nhiên liệu; cùng tham gia vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, cơ quan, đường phố, công viên, khơi thông dòng chảy, trồng cây xanh; tuyên tuyền, vận động mọi người xung quanh cùng thực hiện, đồng thời lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen lãng phí tài nguyên thiên nhiên… Làm cho thế giới sạch hơn là công việc không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, mà đòi hỏi một quá trình lâu dài, thường xuyên. Từ những việc làm đơn giản mà mỗi con người dễ dàng tham gia sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức và tạo thói quen trong giữ gìn môi trường sạch hơn cho mỗi người dân. Chỉ khi nào mỗi người dân có ý thức và có thói quen tự giác trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung thì chúng ta mới có và được hưởng thụ một môi trường sống xanh- sạch- đẹp đúng nghĩa của nó.
Hoàng Giang