Dự làm việc với đoàn có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Ngọc Thọ, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh...

 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (thứ 2 bên trái) thăm hỏi đời sống công nhân làm việc tại Công ty CP Dệt may Huế

Tăng trưởng nhưng chưa tương xứng tiềm năng

Báo cáo kết quả KT-XH đạt được sau 2 năm 2016-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, kinh tế của Thừa Thiên Huế duy trì ổn định và tăng trưởng khá, bình quân đạt 7,37%/năm; hiệu quả và sức cạnh tranh được nâng lên. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người năm 2017 đạt 1.625 USD; thu ngân sách Nhà nước đạt gần 6.950 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp; trong đó, dịch vụ tăng trưởng bình quân 6,15%/năm, chiếm 50,17% trong GRDP và đóng vai trò chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tổng lượng khách du lịch đến Huế năm 2017 đạt trên 3,78 triệu lượt, khách lưu trú đạt 1,847 triệu lượt; doanh thu các cơ sở lưu trú và lữ hành tăng bình quân 3%/năm. Công nghiệp xây dựng tăng trưởng bình quân 11,94%/năm, chiếm 31,2% trong GRDP. Nông nghiệp chiếm 11,62% trong GRDP; đến nay đã có 29% số xã trên toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Quang cảnh buổi làm việc

Tỉnh đã huy động nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng theo mô hình "Đô thị trung tâm kết nối với các đô thị vệ tinh", với tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2017 đạt 36.000 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông đối ngoại như: sân bay Phú Bài được cải tạo nâng công suất 1,5 triệu khách/năm, mở rộng cảng biển nước sâu Chân Mây, mở rộng và cải tạo một số tuyến giao thông đã tạo động lực kết nối vùng...

Một số khó khăn tồn tại cũng được chỉ ra, như: ngành du lịch- dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chiếm 56% trong GRDP nhưng chỉ đóng góp khoảng 15% vào ngân sách; mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển đã ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp, tổng mức đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách; chưa phát triển được các sản phẩm du lịch đặc thù tạo doanh thu lớn; quy mô nền kinh tế còn nhỏ...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao báo cáo tình hình thực hiện KT-XH 2 năm 2016-2017 đến đoàn công tác

Cần cơ chế đặc thù

Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn công tác đã có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất hướng khắc phục tồn tại, khó khăn, giúp cho tỉnh biện pháp khắc phục, thúc đẩy phát triển KT- XH trong thời gian tới. Đặc biệt, Huế cần cơ chế đặc thù, ứng xử đúng với đô thị văn hóa di sản để phát triển bền vững.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận và biểu dương những thành tích mà Thừa Thiên Huế đạt được thời gian qua, nhất là với tốc độ tăng trưởng cao hơn cả nước (6,5%). Điều này được thể hiện với tinh thần năng động, sáng tạo và kiên trì vượt qua khó khăn, thách thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và  những kết quả ban đầu khá ấn tượng cần được phát huy.

 Về những định hướng phát triển KT- XH trong thời gian tới, ông Phùng Quốc Hiển cơ bản thống nhất với những giải pháp chủ yếu của tỉnh đề ra. Đồng thời, gợi mở một số giải pháp cần nghiên cứu thực hiện, như năng động, đổi mới trong tư duy lãnh chỉ đạo, điều hành, giải quyết vướng mắc kịp thời hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, coi đây là một trong những mũi đột phá chiến lược của tỉnh. Chăm lo phát triển mạnh và lấy các dịch vụ về giáo dục, y tế, khoa học công nghệ làm nền tảng cho phát triển. Về công nghiệp, cần ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ cho du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kiên quyết loại trừ những loại hình công nghiệp có thể ảnh hưởng đến môi trường...

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tỉnh cần tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 và Thông báo 175 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, trong đó, tập trung vào các mục tiêu chính là nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để xây dựng TP. Huế trở thành thành phố festival đặc trưng; giữ gìn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa vật thể và phi vật thể. Chú trọng khâu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nguồn tài nguyên trí thức; liên kết trong phát triển KT- XH.

Về những kiến nghị của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận và lưu ý các thành viên trong đoàn, các ban, ủy ban của Quốc hội quan tâm hỗ trợ giúp cho Huế, Văn phòng Quốc hội sớm có báo cáo trình Chính phủ, tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế phát triển trong tương lai.

Cùng ngày, đoàn có chuyến tham quan thực tế tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Công ty CP Dệt may Huế.

Bài, ảnh: Thái Bình