Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, hoạt động đầu tư xây dựng có phạm vi rất rộng, phức tạp, đặc thù riêng và cần có sự kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn công trình, tính mạng và tài sản của người dân, bảo đảm hiệu quả quản lý sử dụng vốn, chống lãng phí, thất thoát. Vì vậy, đến thời điểm này, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 Luật khác nhau và rất nhiều Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn các Bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần được tiếp tục đánh giá và có giải pháp tháo gỡ. Theo đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thống nhất, chưa kế thừa lẫn nhau với kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm; quy định dự án đầu tư tại các địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh là dự án nhóm A cũng gặp khó khăn do rất khó xác định địa bàn đặc biệt quan trọng quốc gia vì địa bàn quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh và các địa bàn được bảo vệ bí mật, không được công bố công khai rộng rãi; các địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong việc chuẩn bị đầu tư đối với dự án nhóm A sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương do dự án loại này thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nên phải lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mục đích của hội nghị là nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trước mắt cũng như lâu dài về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng. Do vậy, đề nghị các đại biểu cần bàn, thảo luận thêm những vấn đề này với các bộ, ngành, đặc biệt là ngành xây dựng để tiếp thu các ý kiến có liên quan đến xây dựng cơ bản nhằm hoàn thiện thể chế tốt hơn.

Tham dự tại điểm đầu cầu Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng các sở ngành

Thủ tướng cho rằng, hệ thống pháp luật về xây dựng rất lớn với 12 luật, hơn 100 nghị định, hàng trăm thông tư hướng dẫn. Sự chồng chéo trong quản lý và các văn bản pháp lý liên quan được coi là rào cản lớn nhất trong công tác đầu tư xây dựng cần được tháo gỡ. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần mạnh dạn nêu rõ những vướng mắc cụ thể nào để nâng cao hiệu quả giải quyết và nói thẳng ra những thông tư, nghị định nào làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm để tháo gỡ.

Phía tỉnh cũng đề xuất với Chính phủ, bộ ngành một số nội dung như trên địa bàn tỉnh, hiện còn mướng mắc một số khó khăn liên quan đến các công trình xây dựng trọng điểm của tỉnh và trên thực tế, nhiều dự án đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản theo quy định vẫn phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Bởi loại dự án này được xếp vào dự án nhóm A dẫn tới phát sinh thủ tục hành chính, qua nhiều cấp quản lý, mất nhiều thời gian để chuẩn bị và thực hiện.

                Tin, ảnhHà Nguyên