NTĐ được đề xuất lần đầu ở Mỹ vào năm 1970. Đến năm 2009, ngày này được Liên Hợp quốc công nhận nhằm vận động toàn dân nâng cao nhận thức và hành động bảo vệ giá trị của môi trường tự nhiên toàn cầu thông qua việc  trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp.

Diện tích ao, hồ, kênh mương, đất nông nghiệp bị bồi lấp để phục vụ phát triển khu dân cư mới (Trong ảnh: mở rộng khu dân cư Bàu Vá ở phường Phường Đúc và Thủy Xuân, TP. Huế)

Hưởng ứng NTĐ năm 2018 và các hoạt động hưởng ứng Festival Huế năm 2018, tiếp tục thực hiện một số hoạt động góp phần cho chương trình vì một Thừa Thiên Huế xanh và sạch, Sở Du lịch phối hợp với Công ty TNHH Du lịch mạo hiểm Việt Nam Vespa- Chi nhánh Huế xây dựng kế hoạch hưởng ứng NTĐ năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Thông qua lễ phát động ra quân dọn dẹp vệ sinh một số tuyến đường chính trung tâm TP. Huế, các khu vực đông khách tham quan du lịch, nơi diễn ra các chương trình Festival Huế 2018... nhằm tuyên truyền, kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ môi trường, giữ gìn thành phố xanh - sạch - đẹp. Những hoạt động này cũng nhằm giới thiệu, quảng bá danh hiệu “Thành phố bền vững môi trường ASEAN” được công nhận năm 2014 và “Thành phố Du lịch sạch ASEAN” của TP. Huế vừa được cộng đồng ASEAN công nhận tháng 1/2018.

Để đạt những danh hiệu này, TP. Huế phải đảm bảo các chỉ số về không khí sạch, nước sạch, đất sạch và kể cả tiêu chí xanh, sạch trong tương lai. Tuy nhiên, để duy trì danh hiệu, chính quyền địa phương cần tiếp tục tập trung thực hiện từng lĩnh vực: quy hoạch, xây dựng, môi trường, văn hoá, du lịch... theo hướng đô thị bền vững, đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai.

Thực tế thời gian qua, TP. Huế phát triển tương đối nhanh và mạnh, có sức hút tạo sự tập trung dân cư, các hoạt động kinh tế- thương mại- du lịch và dịch vụ ngày càng sôi động. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những bất cập trong quá trình phát triển. Tại các khu đô thị mới, việc bố trí quỹ đất cho cây xanh, công trình giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường chưa hợp lý; phần lớn quỹ đất đều dành cho nhà ở, xây dựng các công trình dịch vụ.

Vấn đề môi trường đang bị đô thị hoá tác động. Nhiều ao, hồ, khu đất nông nghiệp bị san lấp để lấy đất phục vụ nhu cầu nhà ở, xây dựng khu đô thị mới. Đất trồng cây lâu năm, đất vườn cũng đang bị phân nhỏ để sử dụng cho nhu cầu xây dựng do dân số gia tăng. Diện tích các ao, hồ trong thành phố bị thu hẹp, hầu hết các hồ ở khu vực Nam sông Hương đã được san lấp, với diện tích vài trăm ha. Riêng hệ thống hồ trong và quanh khu vực Thành nội Huế mức độ san lấp ít hơn, nhưng hầu hết bị lấn chiếm, diện tích thu hẹp dần, hiện chỉ còn khoảng 40 hồ, với diện tích khoảng 50ha.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng, các công trình xây dựng làm tăng bề mặt không thấm nước và giảm bề mặt thấm nước, gây hiện tượng gia tăng các dòng chảy mặt trong đô thị, gây ngập úng trong mùa mưa.

Để đạt được mục tiêu phát triển đô thị bền vững gắn với xây dựng Huế thành một đô thị sinh thái đòi hỏi chính quyền địa phương phải lập kế hoạch sử dụng đất, tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, đề ra chính sách bảo vệ môi trường đúng đắn; đồng thời quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo hướng bền vững, xứng đáng là thành phố di sản, thành phố festival.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên