Sau hơn 2 giờ đồng hồ đi xe máy, chúng tôi đã có mặt tại bến đò Than (thôn Cư Chánh 1, xã Thủy Bằng, TX.Hương Thủy) để đi đò sang chánh điện.
Hình ảnh rải vàng mã gây mất mỹ quan
Chúng tôi lên thuyền rồng để sang điện Huệ Nam. Chiếc thuyền rồng khá rộng rãi và đặc biệt chủ thuyền đã có gắn tấm biển “đề nghị không rãi vàng mã xuống sông”. Thế nhưng, thuyền vừa mới quay đầu đã có rất nhiều người mang hương ra đốt, trên tay mỗi người đều có xấp vàng mã (áo binh, giấy tiền, giấy vàng, giấy bạc, đô la âm phủ,…) vừa khấn vái vừa rải vàng mã xuống sông. Có người còn “mạnh tay” xổ luôn cả một túi ni lon lớn toàn vàng mã xuống sông.
Ở trên thuyền rồng, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng người ta phóng sinh các loài thủy sản. Một số người nhẹ nhàng thả những con cá, con ốc xuống sông nhưng cũng không ít người sau khi cúng vái, thản nhiên ném cả túi ni lon bên trong còn nguyên cá và ốc. Một quang cảnh đầy rác vàng mã, nem chả, trứng gà và bao ni lon trôi nổi cả một đoạn sông Hương ngay phía trước điện Huệ Nam.
Khi đặt chân lên núi Ngọc Trản, chúng tôi đi vào điện để hành lễ. Ở đây, rác còn nhiều hơn nữa. Vàng mã được rải từ các chuyến thuyền ngang, được đốt vô tư, khói um lên, lửa cháy rừng rực nơi bờ sông, rồi khói hương nghi ngút theo chân đoàn người hành hương từ bờ sông nườm nượp đi lên các điện nếu không cẩn thận né thì cháy thủng cả áo quần. Khu vực các “bằng” neo đậu, rác cũng ngập ngụa, trên “bằng” các nghi lễ được tiến hành còn dưới sông túi ni lon, vỏ hộp cơm, vỏ bánh, kẹo, ly nhựa, ... nổi lềnh bềnh.
Kết thúc hành trình về với lễ hội điện Huệ Nam, các bạn của tôi đều thích thú với một lễ hội tâm linh thuần Việt nhưng cũng góp ý rằng ý thức bảo vệ môi trường của người tham gia lễ hội vẫn chưa cao, gây hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng môi trường sinh thái.
Mong rằng cơ quan tổ chức và chính quyền địa phương sẽ có những biện pháp để chấn chỉnh tình trạng phản cảm này nhằm giữ vẻ mỹ quan và tính tôn nghiêm cho lễ hội này trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Hoài Ân