Đại diện Bộ KH&CN, có Thứ trưởng Trần Văn Tùng; đại diện lãnh đạo tỉnh có Phó Bí thư Thường trực Bùi Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung và hơn 600 đại biểu đại diện cho các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân tham dự.

Đánh giá cao kết quả của Thừa Thiên Huế

Thực hiện Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025" của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời, quan tâm và chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các hoạt động hỗ trợ để hình thành, vận hành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động KNĐMTS trên địa bàn. Nhờ đó, Thừa Thiên Huế đã hình thành được các vườn ươm KNĐMST và đang hỗ trợ các ý tưởng, dự án phát triển; xây dựng được những tấm gương điển hình để tuyên truyền; hình thành các CLB khởi nghiệp; xây dựng các chính sách cụ thể hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ ươm tạo các ý tưởng được chọn lựa…

Lãnh đạo UBND tỉnh và Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam thỏa thuận hợp tác

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Dung nhấn mạnh: "KNĐMST đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Việc hỗ trợ và phát triển KNĐMST không phải là việc của riêng cá nhân hay nhóm cá nhân, đơn vị nào mà đòi hỏi có sự vào cuộc của rất nhiều bên liên quan. Thời gian đầu có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, song tin tưởng rằng với sự quan tâm của Bộ KH&CN, sự vào cuộc các ngành, các doanh nghiệp và sự phối hợp của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng của tỉnh; đặc biệt với trí thức, sức sáng tạo, niềm tin và sự nỗ lực hết mình của các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, hoạt động KNĐMST ở Thừa Thiên Huế sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp".

Tham quan sản phẩm của một doanh nghiệp khởi nghiệp

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao những kết quả mà Thừa Thiên Huế đã đạt được trong các hoạt động hỗ trợ KNĐMST; đồng thời, ghi nhận đây là một trong những địa phương ở khu vực miền Trung đi đầu trong việc xây dựng và vận hành hệ sinh thái KNĐMST sau khi có đề án của Thủ tướng Chính phủ ban hành. “Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục định hướng và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ KNĐMST hơn nữa, nhất là trong việc phối hợp với các tổ chức hỗ trợ và kết nối có hiệu quả hơn với các đơn vị đầu tư trong cả nước. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh hơn công tác truyền thông, đổi mới cách tiếp cận theo hướng phù hợp với nhu cầu của thị trường, tiếp nhận thông tin kịp thời để đồng hành tốt hơn với người khởi nghiệp”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.

Thất bại trong khởi nghiệp chỉ là thất bại của ý tưởng

Trong nhiều nội dung được trao đổi trên diễn đàn, những câu chuyện vừa thực tế vừa sinh động do ông Phạm Duy Hiếu chia sẻ đã truyền cảm hứng cho rất nhiều đại biểu tham dự.

Theo diễn giả Phạm Duy Hiếu, khởi nghiệp bắt đầu từ sự chọn lựa thái độ sống và hành trình ấy trải qua 6 bước, gồm: 1 - truyền cảm hứng (với 3 chọn lựa thái độ sống: dựa vào bản thân hay người khác; là cầu thủ dấn thân hành động trên sân để trưởng thành hay là khán giả bình luận thụ động; là nạn nhân của những vấn đề xã hội hay là người giải quyết những vấn đề xã hội); 2 – học tập; 3 – lập nhóm khởi nghiệp; 4 – thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp; 5 – tăng tốc và 6 – thành công. Diễn giả nhấn mạnh: “Một hệ sinh thái khởi nghiệp tuyệt vời là liên tục đồng hành, hỗ trợ và tương tác những chương trình, những mối quan hệ tích cực lên các doanh nghiệp để thúc đẩy họ đi qua 6 bước trên”.

Diễn giả Phạm Duy Hiếu chia sẻ tại diễn đàn

Dịp này, Sở KH&CN phát động cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018”.

Theo đó, đối tượng dự thi gồm: Các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân có ý tưởng, dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới dự kiến triển khai và phát triển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (ưu tiên các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đã có sản phẩm cụ thể). Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian đăng ký hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Mỗi tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham gia một hay nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đối tượng dự thi có thể đăng ký ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Khuyến khích các ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển của tỉnh. Khuyến khích các ý tưởng, dự án khởi nghiệp dự thi có ứng dụng công nghệ, như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ xanh, công nghệ sạch, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vật liệu mới và các loại công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng. Tiêu chí chấm điểm ý tưởng, dự án khởi nghiệp, gồm: Tính đổi mới sáng tạo của ý tưởng, dự án; Khả năng thương mại hóa, khả năng tăng tưởng của ý tưởng, dự án; Mô hình/kế hoạch kinh doanh hoàn thiện của ý tưởng, dự án; Mức độ tác động và ý nghĩa về kinh tế-xã hội của ý tưởng, dự án mang lại; Nguồn lực thực hiện ý tưởng, dự án...

Nhắn nhủ đến các nhà khởi nghiệp tương lai, diễn giả Phạm Duy Hiếu chia sẻ: “Nhiều người nói tỉ lệ thất bại trong khởi nghiệp chiếm đến 90%, đừng xui dại khởi nghiệp. Nhưng thưa các bạn! Tỉ lệ thất bại trong khởi nghiệp chỉ đơn giản là tỉ lệ thất bại của một ý tưởng. Đó không phải là thất bại của con người. Cứ mỗi lần thất bại và đứng lên, sẽ là một lần bạn thêm thành công. Con người chỉ thất bại khi từ bỏ mọi ý tưởng và bỏ cuộc. Hãy chọn lựa thái độ sống của mình và đứng lên sau mỗi lần thất bại để tìm đến thành công. Điều đó mới thực sự ý nghĩa”.

Tại diễn đàn này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp KH&CN đã ký kết thả thuận hợp tác triển khai Chương trình hỗ trợ đồng hành xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Giám đốc Quỹ, ông Phạm Duy Hiếu cho biết: "Trong các nội dung thỏa thuận hợp tác, chúng tôi cam kết đem đến cho các nhà khởi nghiệp của Thừa Thiên Huế những chương trình huấn luyện tinh gọn và phù hợp nhất”.

Cơ cấu giải thưởng cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018”

1. Giải thưởng của UBND tỉnh: Trao giấy chứng nhận và tiền thưởng, cụ thể gồm:

- 01 Giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng (Bằng chữ: Ba mươi triệu đồng);

- 01 Giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng (Bằng chữ: Hai mươi triệu đồng);

- 01 Giải ba: trị giá 15.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười lăm triệu đồng);

Ba ý tưởng, dự án khởi nghiệp đạt giải thưởng của Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ được nhận gói hỗ trợ ươm tạo thúc đẩy phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ “Chương trình tăng tốc cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đã hình thành sản phẩm” và được cơ quan thường trực cuộc thi ưu tiên giới thiệu với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các quỹ để được hỗ trợ, tư vấn triển khai các ý tưởng, dự án khởi nghiệp phù hợp với nhu cầu thực tế; được tư vấn để tham gia Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018 (Techfest 2018) do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

2. Giải thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh với nguồn kinh phí từ Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh:

- 01 giải A: 10.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười triệu đồng chẵn);

- 02 giải B, mỗi giải 5.000.000 đồng (Bằng chữ: Năm triệu đồng chẵn).

Đồng Văn