Rõ ràng, một câu hỏi không dễ có câu trả lời thấu đáo.

Bản chất của con người là thích sở hữu. Và sở hữu càng nhiều càng tốt. Nếu chính bản thân người ta làm ra tiền của để rồi sở hữu những thứ người ta muốn là điều quá tốt, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ví dụ như sở hữu một ngôi nhà đẹp, một chiếc ô tô đẹp, một bộ thời trang đẹp… Dù trực tiếp hay gián tiếp cũng đều góp phần thúc đẩy phát triển.

Sở hữu những thứ từ tham ô tham nhũng, nghĩa là những thứ không phải bằng chính tư duy, sức lực để làm ra thì nó làm cho kinh tế, xã hội, nhân cách con người ngày càng lụn bại. Sở hữu càng nhiều theo dạng này càng tác động tiêu cực đến sự phát triển xã hội.

Tất cả những doanh nhân lớn trên thế giới họ đều có chung một điểm. Ban đầu là họ làm để kiếm được nhiều tiền, thậm chí là thật nhiều tiền. Nhưng đến một lúc nào đó, tiền đối với họ không còn là thứ quan trọng nữa, mà điều quan trọng là thương hiệu và truyền thống của doanh nghiệp cần phải duy trì; là trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp với một đội ngũ nhân viên dưới quyền đông đảo mà họ cần phải chăm lo. Cái mà người ta gọi là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được chị Tạ Thị Ngọc Thảo, một doanh nhân thành đạt ở TP. Hồ Chí Minh, đang sống ở Huế đúc kết gồm bốn điểm, có thể tóm tắt như sau: Vì sao doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội? Là vì xã hội đã tạo ra môi trường cho doanh nghiệp hoạt động. Vì sao doanh nghiệp phải có trách nhiệm với khách hàng? Là vì nếu không có khách hàng thì không bao giờ có doanh nghiệp. Vì sao doanh nhân phải có trách nhiệm với chính doanh nghiệp của mình? Là vì có như thế mới đảm bảo sự duy trì phát triển. Và vì sao doanh nghiệp phải có trách nhiệm với chính nhân viên của mình? Vì không có đội ngũ quản lý và người lao động thì chẳng có doanh nghiệp.

Có lẽ doanh nhân cần rất nhiều tiền là vì những lẽ nêu trên. Họ quan niệm như vậy bởi họ hiểu rằng, đồng tiền chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích của cuộc sống. Tôi đã được đọc một cuốn hồi ký của nguyên Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc. Ông nói rằng khi ông làm chủ một cửa hàng gạo thì tiền đấy chính là tiền của ông. Nhưng khi Hyundai đã thành một tập đoàn hùng mạnh thì tiền đấy không còn là tiền của ông nữa. Ông vẫn ở một ngôi nhà không quá rộng, đi một chiếc xe không quá sang trọng và ăn những thức ăn giản dị.

Nhiều doanh nhân thành đạt họ đã tìm thấy giá trị đích thực của cuộc sống. Đấy là sự cống hiến chứ không còn là sở hữu.

Thứ sở hữu từ tham ô tham nhũng mà có là thứ không đáng giá để con người ta đánh đổi. Bởi vì tiền từ bất chính mà có thì người ta phải tìm mọi cách để che giấu. Không thể nào đem ra để xây một khu biệt thự nguy nga; không thể nào công khai mua một chiếc xe thật sang; không thể nào dùng thứ tiền đó vào một thứ gì quá lộ liễu… Bởi làm như thế rất dễ bị tổ chức, xã hội và người dân phản ứng. Thế thì tiền cả hàng chục, cả trăm, thậm chí cả ngàn tỷ đồng để làm gì? Giá trị đích thực của đồng tiền ở đây sẽ không bao giờ được tìm thấy.

Có một câu chuyện kinh tế thú vị như thế này: Một người đi giữa sa mạc, vì quá cần nước nên khi có nước, họ có thể bỏ ra rất nhiều tiền để mua ly nước. Khi đã đỡ khát rồi, họ sẽ không bỏ ra nhiều tiền nữa để mua ly nước. Cũng là ly nước như vậy nhưng giá trị đã đi xuống. Và nếu họ đi qua một dòng sông, thì nước đã trở nên chẳng có giá trị gì.

Có lẽ, cái gì nhiều quá cũng trở nên thừa mứa và kém giá trị.

Lê Nguyễn