Nghệ sĩ trẻ Mai Chung hát hầu văn tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân

Giới thiệu 36 giá đồng

Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức từ ngày 26 đến 29/4 tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh. Liên hoan quy tụ hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên và nhóm thanh đồng, nhạc công thuộc 18 tỉnh, thành phố có loại hình hát văn, hát chầu văn trên cả nước.

Hát chầu văn là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu và Ðức Thánh Trần. Ngoài những yếu tố tâm linh, hát chầu văn còn là loại hình nghệ thuật kế thừa và phát triển của dân ca. Hát văn, chầu văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong nghi lễ lên đồng, mà còn được coi như hình thức ca nhạc dân gian vui tươi, lành mạnh. Âm nhạc chầu văn mang tính sôi nổi, cộng thêm tiếng trống phách, thanh la rộn ràng khiến cho buổi hầu đồng luôn tưng bừng, rộn rã. Do vậy, có thể xem hình thức diễn xướng dân gian này là một nghệ thuật tổng hợp, tinh tế.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cho hay: “Liên hoan nhằm tôn vinh, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật của loại hình hát văn, hát chầu văn, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, thừa kế, giới thiệu với công chúng và du khách về những giá trị nghệ thuật của loại hình hát văn, hát chầu văn trong “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; giúp Nhân dân có kiến thức đúng đắn, sâu sắc hơn về hát văn, hát chầu văn và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt”.

Theo thông tin từ Cục Văn hóa cơ sở, mỗi đơn vị tham gia biểu diễn các tiết mục hát đơn, hát tập thể hoặc vừa đàn, vừa hát, múa phụ họa, có thể đặt lời mới với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước, con người và truyền thống dựng xây đất nước. Đồng thời, diễn xướng 36 giá đồng thường được các thanh đồng sử dụng hầu thánh tại các đền, miếu, phủ. Với hình thức hát chầu được trích trong các giá hầu, khi đưa hát chầu văn lên sân khấu sẽ được sân khấu hóa để nâng cao tính nghệ thuật của loại hình này.

Hát văn Huế

Theo NSND Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, sự độc đáo của hát văn, hát chầu văn không chỉ thể hiện ở sự trầm bổng, nhấn nhá của lối hát, ở sự ứng diễn linh hoạt có sức cuốn hút người nghe mà còn thể hiện ở tay đàn, nhịp phách được kết hợp hài hòa và tinh tế. Trong cùng một giá chầu, nghệ nhân có thể ứng biến theo hoàn cảnh bằng ngôn ngữ, cử chỉ, bằng tiếng nói, ngữ điệu biểu đạt. Bên cạnh đàn và hát, chầu văn còn có đặc trưng độc đáo nữa là dàn múa phụ họa, biểu đạt thêm cho lời ca, tiếng đàn, tạo nên sự sinh động, lôi cuốn người xem.

Nghệ thuật hát văn, hát chầu văn là loại hình ca hát cổ Việt Nam, có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh.

Mang đến liên hoan những đặc trưng của hầu văn Huế, đoàn Thừa Thiên Huế trình diễn 4 tiết mục thể hiện nguồn gốc và quá trình phát triển của loại hình nghệ thuật này, từ hầu trên điện, hầu tại gia lan tỏa thành sân khấu hóa dân gian và tiến lên sân khấu chuyên nghiệp. Tiết mục hầu trên điện và hầu tại gia do các nghệ nhân biểu diễn, sẽ hát nguyên bản những lời cúng tế cổ. Riêng hai tiết mục sân khấu hóa ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, biển đảo quê hương sẽ do các nghệ sĩ đảm nhận.

Ngoài các nghệ nhân, điều vui là trên sân khấu hát văn đã xuất hiện nhiều gương mặt trẻ. Tốt nghiệp chuyên ngành đàn nguyệt tại Học viện Âm nhạc Huế, vào công tác ở Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế với vai trò nhạc công nhưng nghệ sĩ trẻ Mai Chung lại bén duyên với hát văn, hát chầu văn. Hình ảnh cô gái trẻ ôm đàn vừa đàn vừa hát các điệu chầu văn luôn để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Tại liên hoan lần này, Mai Chung sẽ thể hiện điệu chầu văn “Trầm tích Huế thơ” do NSƯT Khánh Di viết lời, nội dung ca ngợi cảnh đẹp của Huế, ca ngợi công đức những bậc tiền nhân đã có công xây dựng mảnh đất Thuận Hóa - Phú Xuân.

Nghệ sĩ Mai Chung chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên, em được tham dự liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc nên rất háo hức được giới thiệu hầu văn Huế đến các nghệ nhân, nghệ sĩ khắp cả nước. Hầu văn khó hát, sau khi học thuộc lời phải tập luyện cho thật thấm để có thể hát bằng cả tâm hồn. Hơn nữa, em phải tập luyện nhiều mới có thể kết hợp nhuần nhuyễn giữa đàn và hát”.

Bài, ảnh: Minh Hiền