Trung Quốc là quốc gia có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới. Ảnh: CNA
Theo kết quả của một nghiên cứu vừa được công bố ngày 23/4, Trung Quốc hoàn toàn có thể cứu sống gần 94.000 người thoát khỏi nguy cơ tử vong sớm, cùng lúc tiết kiệm khoảng 339 tỷ USD chi phí y tế trong vòng 12 năm tới bằng cách tôn trọng và tuyệt đối tuân thủ các cam kết giảm số lượng khí thải Cacbon Dioxit (CO2) theo nội dung Hiệp định Paris về khí hậu.
Cụ thể, nước này cam kết sẽ cắt giảm tối đa lượng khí thải CO2 vào năm 2030 và cắt giảm 60% – 65% cường độ phát thải CO2/đơn vị GDP so với năm 2005.
Nhằm đạt được mục tiêu cung cấp nguồn không khí trong sạch và cứu sống gần 94.000 người, Trung Quốc cần cắt giảm ít nhất 4% số lượng khói thải mỗi năm, viện công nghệ Massachusetts (MIT) khẳng định.
Đến nay, Trung Quốc là quốc gia có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới, nhất là khi than đá - nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí vẫn đang tiếp tục được sử dụng và là nguồn nguyên liệu khí đốt chính cho nhiều ngành công nghiệp.
Nhận thức rõ tình hình cấp bách, vào tháng 12/2017, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch tạo lập một thị trường Cacbon quốc gia khổng lồ đổi tín dụng lấy quyền thải khí thải nhà kính, với tham vọng sẽ trở thành nước có thị trường tài chính lớn nhất trên thế giới dành cho việc làm sạch không khí. Nếu thành công, thị trường khí thải sẽ hỗ trợ các nhà máy Trung Quốc hoạt động sạch hơn.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)