Bác sĩ CK II, TTƯT Lê Đình Thao, Giám đốc Bệnh viện (BV) thị xã Hương Trà thăm khám cho bệnh nhân

Thưa ông, đâu là nguyên nhân xảy ra tình trạng người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, nhân viên y tế?

Nguyên nhân của những vụ hành hung rõ ràng là do đạo đức xã hội ngày càng đi xuống. Điều dễ thấy là môi trường làm việc của ngành y là tiếp xúc mọi đối tượng trong xã hội, trong đó không loại trừ những đối tượng hung dữ, những thành phần “xã hội đen”... Với tính khí của các đối tượng này, chỉ cần các nhân viên y tế có một vài lời, vài điều nhỏ chưa làm hài lòng rất dễ nảy sinh rắc rối.

Những vụ hành hung nhân viên y tế gần đây không chỉ là những đối tượng hung dữ, thành phần xã hội đen?

Đó là chúng tôi nói đến số đông, phần đa số. Bên cạnh đó cũng có trường hợp có thể do rượu bia tác động. Tuy nhiên có những trường hợp hành hung nhân viên  y tế như ở Hà Tĩnh, Yên Bái và mới đây nhất là tại BV Xanh Pôn- Hà Nội..., thực sự chúng tôi vẫn chưa rõ nội tình thế nào nhưng có thể thấy rằng, người thân của bệnh nhân này quá manh động, hiếu thắng, cửa quyền, xem thường người khác. Có thể nhân viên y tế có vài sơ suất trong lúc giao tiếp, ứng xử. Nhưng dù bất bình thế nào thì người nhà bệnh nhân cũng không thể và không nên hành hung đánh đập nhân viên y tế một cách thô bạo như thế. Có nhiều cách để  đóng góp ý kiến, chứ không phải đụng đâu cũng “động thủ”.

Tuy nhiên, khách quan cũng phải nhìn nhận nhiều chiều. BV và nhân viên y tế cũng phải “soi” lại  mình. Liệu phong trào cải cách ứng xử làm hài lòng bệnh nhân đã thực hiện tốt; cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đã ứng xử đúng chuẩn mực; môi trường làm việc ở BV đảm bảo hay chưa?... Qua đó, để điều chỉnh, xây dựng môi trường BV thực sự “vì bệnh nhân”, không để “con sâu làm rầu nồi canh”.

Thừa Thiên Huế chưa xảy ra trường hợp hành hung nhân viên y tế, ông nghĩ sao về kết quả này?

Đáng mừng là cho đến nay, ở Thừa Thiên Huế Huế chưa có trường hợp nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ bị hành hung. Đây là điều đáng tự hào, nhờ môi trường và cách cư xử, ứng xử của người Huế lúc nào cũng chừng mực, giàu nhân văn, có tình người. Nhất là đội ngũ y, bác sĩ giàu y đức, có trách nhiệm trong việc cứu chữa bệnh nhân, cũng như phong cách ứng xử với bệnh nhân cũng như người thân của họ.

Tuy vậy, ở BV tuyến huyện, thị xã như chúng tôi đang quản lý thỉnh thoảng vẫn có trường hợp lời qua tiếng lại giữa người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế. Đó là lúc họ quá nóng vội, chưa hiểu các quy định của ngành, chưa thực sự chia sẻ công việc của nhân viên y tế tại thời điểm đó. Khi xảy ra tình trạng trên, lãnh đạo đơn có mặt kịp thời chia sẻ giải thích, làm hài lòng bệnh nhân và người nhà, không để sự việc đi quá xa.

Để ngăn chặn tình trạng hành hung nhân viên y tế, theo ông cần có phương án, giải pháp gì?

Các vụ hành hung nhân viên y tế và gây rối BV không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh (KCB) mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý, tinh thần cũng như động lực, sự tận tụy của người mặc áo blouse trắng. Mặc dù đối mặt với hành vi bất nhã, xâm hại đến thể chất và tinh thần, nhưng nguyên tắc bất di bất dịch của ngành y là không được từ chối KCB bất cứ bệnh nhân nào.

Qua những vụ việc cán bộ y tế bị bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân hành hung, dù các BV đã lắp đặt các thiết bị camera giám sát, bố trí nhân viên bảo vệ, song thực tế vẫn chưa đảm bảo, còn nhiều lỗ hổng. Những công cụ ấy chỉ là bằng chứng, phục vụ giải quyết khi chuyện đã rồi. Đối với các BV tuyến huyện, lực lượng bảo vệ rất mỏng, biên chế chỉ 1-2 người. Do đó, để tránh “chờ được mạ, má đã sưng”, các đơn vị và BV cần có chương trình tập huấn cho cán bộ nhân viên y tế cách phòng vệ bản thân theo định kỳ song hành như tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

Các BV, nhất là BV tuyến huyện cần được bố trí lực lượng chức năng như công an “cắm chốt”, tăng cường kiểm soát an ninh trật tự trong các BV và khu vực xung quanh để phát hiện sớm, kịp thời can thiệp khi có tình huống xấu xảy ra.

Minh Văn (thực hiện)