Nhiều hoạt động hấp dẫn khác cũng diễn ra cùng ngày thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương.
Một nghi thức trong lễ tế bà Tơ
Thường vào dịp tết hằng năm, gia đình anh Đặng Nghĩa-người dân Quảng Phú sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh mới về quê thăm gia đình, quê hương. Riêng năm nay, anh Nghĩa “phá lệ” về quê dịp lễ hội SNTG để được tham gia lễ tế bà Tơ và thưởng thức chương trình lễ hội SNTG.
“Đã mấy mùa lễ hội SNTG rồi, nhưng đây là lần đầu tôi được tận mắt chứng kiến lễ tế bà Tơ. Để được thưởng thức đầy đủ từng nghi thức của buổi lễ, gia đình tôi phải thức dậy từ 4 giờ sáng. Tôi cảm thấy mọi người rất háo hức với buổi lễ. Lễ hội diễn ra trang trọng, đậm nét truyền thống dân gian. Đến đây vợ chồng tôi được chứng kiến các nghi lễ truyền thống của người dân địa phương và được tìm hiểu sâu hơn về lịch sử bà Tơ”, anh Nghĩa cởi mở.
Đua thuyền sau lễ tế bà Tơ
Đây là lần thứ hai anh Huỳnh Thông ở phường Hương Văn (TX Hương Trà) có dịp về Quảng Điền, tận mắt chứng kiến lễ tế và tìm hiểu lịch sử của bà Tơ. “Cứ mỗi lần tham gia lễ tế, tôi lại có những cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên điểm chung giữa các lần tham gia lễ tế bà Tơ là sự cảm kích, kính phục về tấm lòng cao thượng. Chỉ có những người như thế mới có thể cứu được chúa Nguyễn thoát khỏi lâm nguy. Bà Tơ không chỉ xứng đáng là niềm tự hào đối với người dân Quảng Điền mà còn cả Thừa Thiên Huế”, anh Thông nói.
Ông Phan Hòa, người dân Quảng Phú tự hào, lễ tế bà Tơ năm nay thu hút rất đông du khách so với những lần trước. Không khí lễ hội vui hơn hẳn mọi năm. Sau lễ tế và hội đua thuyền, du khách đến các làng nghề truyền thống, vựa rau sạch trên địa bàn rất đông. Vào những ngày thường cũng có du khách đến tham quan làng nghề nhưng ít hơn nhiều so với dịp lễ tế bà Tơ.
Nhờ có lễ tế bà và hội đua thuyền mà các sản phẩm làng nghề tại địa phương được nhiều người biết đến, vươn xa trong và ngoài tỉnh. Dân làng tôn thờ bà Tơ như là người có công khai canh vùng mặt nước Tam Giang và hàng năm đều tổ chức giỗ bà vào ngày 18/5 (âm lịch). Ngoài ra vào dịp lễ hội SNTM, lãnh đạo huyện Quảng Điền tổ chức lễ tế bà rất trang trọng, hoành tráng.
Gian hàng trưng bày sản phẩm Bao La tại hội chợ
Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền nhấn mạnh, lễ tế bà Tơ là một hoạt động lớn trong chương trình lễ hội SNTG năm nay. Đây là lễ hội truyền thống của cư dân vùng sông nước Quảng Điền được tổ chức để tưởng nhớ người phụ nữ họ Trần ở làng Bác Vọng, xã Quảng Phú có công cứu chúa Nguyễn thoát nguy trong một lần vượt phá Tam Giang. Lễ tế bà Tơ được tổ chức ngay tại bến đò Quai Vạc bên sông Bồ, ở thôn Bác Vọng Đông với nghi lễ trang trọng. Lễ tế kéo dài trong khoảng 60 phút với nghi thức đậm nét văn hóa dân gian của cư dân vùng sông nước.
Trò chơi dân gian bài chòi tại lễ hội SNTG
Sau phần lễ tế bà Tơ, hội đua thuyền diễn ra ngay ngã ba sông Bồ, bên bến đò Quai Vạc. Hội đua thuyền năm nay diễn ra hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương. Nhiều du khách sau khi xem xong hội đua thuyền đã đến dâng hương tại miếu thờ và lăng mộ Đặng Hữu Phổ (ở làng Bác Vọng)-con trai trưởng của phò mã Đặng Huy Cát và công chúa Tĩnh Hòa có nhiều đóng góp đối với phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX.
Gian hàng nước mắm Quảng Công tại hội chợ
Chương trình lễ hội diễn ra cùng ngày với các hoạt động hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại được đặt ngay bên phá Tam Giang thơ mộng nhằm giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch của địa phương. Cùng với đó còn có các gian hàng trưng bày, giới thiệu về thành tựu kinh tế xã hội, sản phẩm của các làng nghề truyền thống; các sản vật, món ăn đặc trưng của vùng quê sông nước Quảng Điền. Tại hệ thống cầu nổi (gần sân khấu chính lễ hội) khu vực Cồn Tộc, xã Quảng Lợi diễn ra cuộc triển lãm “Nét đẹp Quảng Điền qua ảnh” với hơn 60 tác phẩm được trưng bày. Trò chơi bài chòi dân gian, hay hội thi ẩm thực cũng diễn ra trong ngày 24/4…
Vào đêm 24/4, sau lễ khai mạc sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật tổng hợp hấp dẫn với sự tham gia biểu diễn của hơn 10 ca sỹ nổi tiếng đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, như Thu Hiền, Tấn Minh, Thanh Hoa, Minh Quân, Ưng Hoàng Phúc… và hàng trăm diễn viên của Nhà hát ca kịch Huế, Đội Thông tin lưu động huyện Quảng Điền. Các tiết mục nghệ thuật được biểu diễn trên sân khấu nổi trên mặt nước phá Tam Giang thể hiện nét đẹp văn hóa, đất và người Quảng Điền. |
Bài, ảnh: Hoàng Triều