Nhóm các nhà khoa học Đức nghiên cứu mật độ mẩu nhựa nhỏ có trong băng ở Bắc Cực - Ảnh: ALFRED WEGENER INSTITUTE/M.FERNANDEZ
Theo đài BBC (Anh), các nhà khoa học Đức cho biết hiện tại những mẩu nhựa nhỏ (microplastic) có trong các khối băng nổi trên Bắc Băng Dương đang có mật độ cao gấp hai hoặc ba lần so với trước đó.
Nhóm nghiên cứu Đức cảnh báo khi các khối băng này tan ra do tình trạng biến đổi khí hậu, những mẩu nhựa nhỏ sẽ quay trở lại nước biển, từ đó kéo theo hậu họa khôn lường với các loài sinh vật hoang dã.
Giới nghiên cứu cũng đã lần ra dấu vết của 17 loại rác nhựa khác nhau có trong nước biển đóng băng.
Các microplastic được định nghĩa là những mẩu nhựa nhỏ có chiều dài dưới 5 mm. Chúng có thể bị nhiều loài động vật ăn phải và theo đó sẽ lọt vào chuỗi thức ăn.
Tuy nhiên ngay cả những sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, sự mòn rã của lốp xe hơi hay việc giặt giũ quần áo bằng vải may tổng hợp cũng góp phần làm tăng thêm số mẩu nhựa nhỏ này ở biển.
Theo dõi "đường đi" của rác nhựa cho thấy chúng bị các dòng hải lưu đưa đẩy từ đảo rác khổng lồ ở Thái Bình Dương hoặc từ các địa phương do tình trạng ô nhiễm từ hoạt động vận tải biển và đánh bắt cá.