Nhiều chuyến đò vận chuyển khách tại Đầm Chuồn vẫn chưa đảm bảo an toàn
Vẫn còn lơ là
Mùa hè, nắm bắt được nhu cầu của du khách, nhiều hàng quán mọc lên trên mặt nước đầm phá phục vụ ăn uống, nghỉ dưỡng.
Tại đầm Chuồn, tiết trời nắng nóng, lượng khách đổ về những hàng quán ở đây đông hơn thường lệ. Nhiều nhà hàng được thiết kế nổi trên mặt nước. Để thuận lợi di chuyển ra đầm phá, các chủ quán bố trí bến đỗ đón khách và di chuyển bằng thuyền. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của khách, các chủ quán cũng bố trí những chiếc thuyền nhỏ để chở khách tham quan phong cảnh tại đầm Chuồn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ Đầm Chuồn hội quán (xã Phú An, huyện Phú Vang) chia sẻ: “Ngoài phục vụ du khách những món ăn đặc trưng của đầm phá, chúng tôi còn phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm cuộc sống ngư dân đầm phá. Thời điểm này, lượng khách tăng gấp nhiều lần so với ngày thường, nhất là khách nước ngoài nên chúng tôi phải huy động hơn 10 lái thuyền phục vụ khách hàng”.
Không chỉ Đầm Chuồn hội quán, một số hàng quán khác cũng bố trí đón trả khách bằng thuyền. Theo quan sát, mỗi chuyến thuyền chở từ 10-12 khách, trên thuyền có trang bị phao cứu sinh lẫn áo phao. Song, khi di chuyển ra giữa đầm phá, du khách lẫn lái thuyền dường như… lãng quên những dụng cụ đảm bảo an toàn này. Anh Nguyễn Văn Chiến (du khách Đà Nẵng) cho biết: “Nghe nhiều đến đầm Chuồn nên khi đến Huế, tôi cùng bạn bè ghé đây vừa ngắm cảnh, vừa thưởng thức đặc sản. Chúng tôi được di chuyển bẳng thuyền, do quãng đường khá ngắn, việc mặc áo phao cồng kềnh nên dường như không có ai mặc”.
Nhiều du khách không mặc áo phao khi di chuyển trên đầm phá
Ông Phan Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An thừa nhận: “Hiện nay, tại đầm Chuồn có 2 nhà hàng bố trí thuyền vận chuyển khách tham quan, ăn uống trên đầm phá. 2 chiếc thuyền này cũng đã đăng kiểm. Tuy nhiên, khi di chuyển thì du khách và lái thuyền nhiều lúc không mặc áo phao, điều này tùy vào ý thức của họ, địa phương cũng không quán xuyến được”.
Ngoài vấn đề đảm bảo an toàn, chất lượng của những chiếc thuyền và lái thuyền tồn tại nhiều vấn đề. “Nhà hàng của tôi lúc cao điểm huy động 10 lái thuyền. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 người là có chứng chỉ lái thuyền”, ông Nguyễn Tiến Dũng nói.
Theo Trung tá Lê Hồng Hà, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh, đối với ăn uống tại các nhà hàng, quán ăn trên đầm phá, riêng các nhà hàng ở Đầm Lập An, Lăng Cô đã được xây dựng kiên cố. Còn khoảng trên dưới 10 nhà hàng ở Đầm Chuồn thì rất rất nguy hiểm do chưa được cơ quan thẩm định và kiểm định trong khi đó xây dựng tạm bợ, chênh vênh và cao điểm cả trăm người cùng ở trên đó. Ngoài ra, việc vi phạm luồng, lạch, tiềm ẩn nguy co cao tai nạn đường thủy vì không đảm bảo an toàn, tự phát, nước chảy nguy hiểm.
Tích cực tuyên truyền
Thống kê từ phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh, mặc dù lượng người và phương tiện tham gia giao thông đường thủy lớn, nhưng hơn 10 năm nay trên địa bàn tỉnh chưa có vụ tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra đối với việc vận tải hành khách. “Nói thế không có nghĩa là chủ quan, mà đơn vị phải thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ cho chủ thuyền, đơn vị du lịch và người dân phòng chống”, ông Hà nói.
Du khách giữ thăng bằng khi di chuyển trên đầm phá
Thừa Thiên Huế đang vào mùa lễ hội, lượng khách đổ về chắc chắn sẽ khá lớn. Các địa phương đang cũng đang có những biện pháp tuyên truyền để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: "Hiện, có khá lớn lượng khách đổ về đầm phá để tham quan, di chuyển bằng thuyền, do vậy bên cạnh việc tập huấn kỹ càng cho các lái thuyền, chúng tôi cũng tổ chức tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo an toàn”. Cùng chung quan điểm, ông Phan Văn Việt cho rằng, ý thức của người dân lẫn du khách là vẫn là quan trọng nhất. “Hàng năm chúng tôi mở các lớp tập huấn cho các chủ nhà hàng cũng như lái thuyền. Đồng thời, khuyến cáo, tuyên truyên du khách lẫn người dân nâng cao ý thức để đảm bảo an toàn khi tham quan đầm phá”, ông Việt cho hay
Hiện nay, các đơn vị du lịch cũng đã có những biện pháp, đưa vào sử dụng những loại thuyền du lịch mang tính ưu việt cao. “Đơn vị chúng tôi đã hoàn thiện mẫu bản vẽ loại thuyền du lịch trên đầm phá có độ an toàn cao. Hiện nay đã đưa vào sản xuất, sắp tới sẽ sản xuất hàng loạt và đăng kí đăng kiểm”, ông Trần Quang Hào - Giám đốc Huetourist chia sẻ.
Trung tá Lê Hồng Hà cho biết, hằng năm đơn vị đều có kế hoạch tuyên truyền và tập trung vào việc kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm điều kiện hoạt động của phương tiện như: không đăng ký, đăng kiểm hoặc không đủ tiêu chuẩn, điều kiện an toàn khi hoạt động, vi phạm về công dụng, vùng hoạt động, chở quá số khách quy định... Tổ chức cho 100% bến, phương tiện chở khách ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy và phòng ngừa tai nạn.
“Thực tế chỉ quy định khách đi đò ngang phải mặc áo phao, còn đi đò dọc như đi thuyền rồng trên sông Hương thì không bắt buộc nhưng các thuyền phải đảm báo số lượng phao tròn, áo phao theo đúng quy định. Các thuyền rồng đã trang bị đầy đủ. Đơn vị đang đề xuất UBND tỉnh quy định thêm việc phải treo hoặc đặt áo phao ngay trên ghế ngồi của khách nhưng chưa được chấp thuận”, Trung tá Lê Hồng Hà, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh cho hay . |
Bài, ảnh, clip: Lê Thọ - Thái Bình