Cắt băng khai mạc triển lãm

Triển lãm giới thiệu đến người xem bản dập Mộc bản Triều Nguyễn, hơn 60 sắc phong (bản gốc và bản số hóa) qua các triều đại; 48 bộ gia phả của các dòng họ; trên 179 sách in và một số chế phong, chiếu chỉ, lệnh chỉ, các bài thi Hương, địa bạ, văn cúng, văn bằng và các loại tài liệu khác.

Trong đó có nhiều tài liệu mới được sưu tầm, số hóa có niên đại từ thời Lê - Dương Hòa - 1636, thời Tây Sơn và các triều đại chúa Nguyễn, nhà Nguyễn, như: sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, lệnh chỉ, đặc biệt quý hiếm có Ngự bút của vua Tự Đức viết bằng mực son trên giấy Long Đằng.

Nhiều tư liệu quý được sưu tầm, số hóa trong 10 năm qua

Đây là các tài liệu đã được số hóa và đang lưu giữ tại Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế, Phủ Tuy Lý Vương, các làng, phủ, dòng họ... trên địa bàn tỉnh.

Triển lãm còn giới thiệu đến bạn đọc trên 250 bản dịch các tác phẩm Hán - Nôm ra chữ Quốc ngữ phản ánh nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội dân gian...

Trao tặng tài liệu đã được số hóa cho đại diện các làng trên địa bàn tỉnh

Dịp này, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm hợp tác, sưu tầm, số hóa tài liệu Hán - Nôm (2009-2018).

10 năm qua, các đơn vị trên đã phối hợp sưu tầm, số hóa tại 14 phủ đệ, 100 làng, đền thờ và nhà vườn với 492 họ tộc. Tổng số tài liệu Hán - Nôm sưu tầm, số hóa là 229.202 ngàn trang. Trong đó, tài liệu Hán - Nôm từ 2009 - 2017 đã được xử lý, biên mục, xây dựng cơ sở dữ liệu số và phần mềm quản lý.

Tin, ảnh: Minh Hiền