Sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh của hai nhà sưu tầm Nguyễn Công Tuấn và Ngô Văn Trường tham gia triển lãm
Đồ sứ ký kiểu là những đồ sứ do người Việt Nam, gồm cả vua, quan và thường dân, đặt làm tại các lò gốm sứ Trung Hoa, đưa về Việt Nam sử dụng. Những đồ sứ này tuy được chế tác tại Trung Hoa, nhưng tuân thủ các yêu cầu riêng của người Việt về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn và hiệu đề, nên mang những đặc trưng riêng, đáp ứng sở thích, thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu sử dụng của người Việt. Đó cũng là tiêu chí để nhận diện và phân biệt đồ sứ ký kiểu với đồ sứ Trung Hoa.
Chẳng hạn, hình trang trí trên đồ sứ miêu tả các địa danh Việt Nam như: núi Hải Vân, núi Tam Thai, núi Thúy Vân, chợ Thuận Hóa, chùa Thiên Mụ, đầm Hà Trung...; thơ văn trên đồ sứ được viết bằng chữ Nôm, thứ chữ do người Việt sáng chế ra, không được sử dụng ở Trung Hoa, hoặc viết bằng chữ Hán nhưng tác giả là các danh nhân nước Việt, như chúa Nguyễn Phúc Chu, Đào Duy Từ, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức...; các hiệu đề đế hiệu trên đồ sứ mang niên hiệu các vua Việt Nam, như: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định; hoặc các hiệu đề ghi năm trên đồ sứ trùng hợp với những năm có sứ bộ Việt Nam sang Trung Hoa; đồ án trang trí trên đồ sứ không theo khuôn mẫu Trung Hoa mà theo phong cách Việt, từng được thể hiện trên các chất liệu khác như đồng, vải, giấy... trong các lĩnh vực: điêu khắc, kiến trúc, hội họa... từ thời Lê đến thời Nguyễn. Sau cùng, những đồ sứ này được chế tác riêng cho người Việt nên sản phẩm làm ra được xuất khẩu toàn bộ sang Việt Nam, không lưu hành trên thị trường Trung Hoa đương thời.
Điếu hút thuốc lào vẽ cửu long đằng vân. Đồ sứ ký kiểu triều Minh Mạng, thời Nguyễn
Đồ sứ ký kiểu được các triều đình Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong (thế kỷ 17 - 18), triều Tây Sơn (cuối thế kỷ 18) và triều Nguyễn (thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20) ký kiểu ở các quan diêu ở Cảnh Đức Trấn (Giang Tây, Trung Quốc) và ở trong các dân diêu tại Quảng Đông (Trung Quốc). Ban đầu, các sứ thần được triều đình Việt Nam cử sang Trung Quốc để bang giao, chính là những người đi ký kiểu đồ sứ cho triều đình và cho nhu cầu riêng của họ. Về sau, tầng lớp thương nhân giàu có ở Huế và Thăng Long cũng sang Trung Hoa ký kiểu đồ sứ mang về sử dụng và thưởng lãm.
Trải qua hơn 300 năm tồn tại, đồ sứ ký kiểu đã trở thành dòng cổ vật quý, có giá trị văn hóa, mỹ thuật và giá trị kinh tế cao, được giới sưu tập cổ vật ở trong và ngoài nước ưa chuộng, sưu tầm. Đồ sứ ký kiểu cũng được trưng bày trong nhiều bảo tàng danh giá ở Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Paris, Brussels, London, Berlin, New York, Boston… và trong nhiều sưu tập tư nhân danh tiếng ở Việt Nam và hải ngoại. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang sở hữu hơn 2.000 hiện vật thuộc dòng đồ sứ ký kiểu. Trong những năm qua, bảo tàng thường luân phiên trưng bày sưu tập đồ sứ quý giá này. Tuy nhiên, đồ sứ ký kiểu ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chủ yếu là đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, trong khi những món đồ sứ ký kiểu quý hiếm nhất, có giá trị cao nhất, lại là đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh. Dòng đồ sứ này được triều đình Lê - Trịnh ở Thăng Long ký kiểu, có niên đại sớm hơn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn cả trăm năm, lại trải qua bao cơn dâu bể nên bị mất mát, thất thoát và dần trở nên hiếm hoi.
Bình hoa vẽ hoa điểu bằng men ngũ sắc. ĐSKK triều Khải Định, thời Nguyễn
May mắn thay, nhiều người trong giới sưu tập cổ vật ở phía bắc Việt Nam đang thủ đắc những sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh quý hiếm. Trong số đó, hai nhà sưu tầm Nguyễn Công Tuấn và Ngô Văn Trường ở Hà Nội là những người đang sở hữu những sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh đầy đủ nhất về chủng loại, kiểu dáng, hiệu đề và đề tài trang trí.
Chào mừng Festival Huế 2018, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hợp tác với các nhà sưu tầm ở Huế và Hà Nội, tổ chức một cuộc triển lãm quy mô về dòng đồ sứ do triều đình Việt Nam ký kiểu ở Trung Hoa từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20. Triển lãm mang tên “Đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh, chúa Nguyễn và thời Nguyễn”, khai trương vào lúc 9h sáng 25/4/2018 tại điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), trưng bày trong 2 tháng. Đây là lần đầu tiên một bảo tàng ở Việt Nam giới thiệu với công chúng những tuyệt phẩm tinh hoa của dòng đồ sứ ký kiểu xuyên suốt các triều đại Lê- Trịnh, chúa Nguyễn và triều Nguyễn, trải dài hơn 300 năm. Hơn 70 món đồ sứ ký kiểu đẹp nhất, toàn mỹ nhất, có giá trị nhất, trong đó có nhiều món có giá hơn 2 tỉ đồng Việt Nam, lần đầu tiên đưa ra trưng bày ở Huế để công chúng thưởng lãm.
Hai nhà sưu tập Nguyễn Công Tuấn và Ngô Văn Trường từ Hà Nội đã mang 39 trân phẩm của dòng đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh vào Huế tham dự triển lãm này. Sưu tập của hai doanh nhân đất Hà thành này có đầy đủ các hiệu đề: Nội phủ thị trung, Nội phủ thị hữu, Nội phủ thị nam, Nội phủ thị bắc, Nội phủ thị đông, Nội phủ thị đoài và Khánh xuân thị tả, đại diện cho thời kỳ đầu tiên trong lịch sử ký kiểu đồ sứ, là phần trưng bày trọng tâm của triển lãm này.
Nguyễn Hữu Hoàng, một nhà sưu tầm cổ ngoạn trứ danh ở Huế, sẽ trình làng bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn, với những kiệt tác mang hiệu đề Thanh ngoạn do chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu. Đó là những chiếc tô vẽ các thắng cảnh nổi tiếng ở hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam như núi Hải Vân, chùa Thiên Mụ, chợ Thuận Hóa, núi Tam Thai…, cùng với những bài thơ: Ải lĩnh xuân vân, Thiên Mụ hiểu chung, Thuận Hóa vãn thị, Tam Thai thính triều… do chúa sáng tác, phẩm đề trên đồ sứ. Đây là những đại diện xuất sắc của dòng đồ sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn tham gia triển lãm này.
Trong khi đó, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế giới thiệu 30 món đồ sứ tiêu biểu do các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Khải Định ký kiểu. Đó là những món đồ từng được các vị vua triều Nguyễn, hoàng gia và đình thần sử dụng và thưởng lãm lúc sinh thời. Đặc biệt, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cũng giới thiệu những món đồ sứ kích thước lớn, như đôn, chậu, thống, độc bình, cả dòng đồ men lam lẫn dòng đồ ngũ sắc, từng được các vua Minh Mạng, Tự Đức và Khải Định đặt làm ở Cảnh Đức Trấn và Quảng Đông (Trung Hoa), đưa về bài trí tại các cung điện, lăng tẩm, miếu vũ ở kinh đô Huế trong thời kỳ hoàng kim của triều Nguyễn.
Tất cả sẽ hội tụ và tỏa sáng trong điện Long An, tòa cung điện đẹp nhất của Huế xưa, để chào mừng Festival Huế 2018 và chào đón công chúng, du khách đến tham quan, thưởng ngoạn.
Bài, ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN