Tuy không phải là lần đầu tiên không gian trưng bày cây đẹp hoa quý ở ngự viên dịp Festival Huế, nhưng điểm mới của năm nay là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cơ bản hoàn thành việc trùng tu phục hồi thích nghi thượng uyển Thiệu Phương. Đồng thời, sử dụng làm không gian tổ chức trưng bày phong lan 3 miền và kết nối trực tiếp với vườn Cơ Hạ ở phía đông, nơi trưng bày các tác phẩm cây kiểng đặc sắc hội tụ từ nhiều vùng miền trong nước.

Khách tạo dáng bên những giò phong lan rực rỡ

Thời triều Nguyễn còn thịnh vượng, vườn ngự (vườn hoàng gia), được xây dựng cả bên trong và bên ngoài hoàng cung. Nơi đây tập hợp muôn loài hoa thơm cỏ lạ trong cả nước và in dấu ấn của những bàn tay nghệ nhân tài hoa nhất về nghệ thuật đắp giả sơn, tạo mặt nước, tạo cây kiểng và xây dựng các kiến trúc nghệ thuật.

Với những gì còn lại, thật khó để nhận ra kinh đô Huế từng có hơn 30 khu vườn ngự với những phong cách riêng và hội tụ đầy đủ những yếu tố đặc sắc ấy. Tuy nhiên, với không gian của Thiệu Phương và Cơ Hạ hôm nay, du khách hoàn toàn có thể dành thời gian để thưởng lãm hàng trăm loài hoa thơm kiểng lạ. Cơ hội chỉ riêng có trong mỗi kỳ Festival Huế.

Lưu dấu sản phẩm của những "bàn tay vàng"

 

Cùng ngày, cũng ở không gian của ngự viên Thiệu Phương, triển lãm “Hương sắc Bát Tràng” cũng được khai mạc, giới thiệu 400 tác phẩm gốm sứ của 50 nghệ nhân đến từ 10 dòng họ làm gốm làng nghề truyền thống Bát Tràng.

Những sản phẩm gốm được trưng bày tại đây rất phong phú về loại hình, hoàn mỹ về màu sắc, tinh xảo về hoa văn trang trí và tôn vinh một cách thuyết phục đôi bàn tay vàng của các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng.

Tin, ảnh: Đồng Văn