Thanh trà là cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân thôn Khúc Lý-Ba Lạp

Ký ức đau buồn

Ông Trần Văn Thuận, nguyên Huyện ủy viên, Chính trị viên phó Huyện đội Phong Điền nhớ lại: Vào 0 giờ ngày 1/1/1968 (âm lịch), thực hiện lệnh Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, mặt trận quận lỵ Phong Điền (tên gọi thời Mỹ-ngụy) đã tấn công nổi dậy theo 3 mũi giáp công, gồm 3 lực lượng: quân sự-chính trị-binh vận để giành chính quyền. Để đàn áp phong trào nổi dậy của người dân huyện Phong Điền, Mỹ-ngụy huy động lực lượng, máy bay càn quét. Vào khoảng 10 giờ ngày hôm đó, 5 chiếc máy bay trực thăng “rọ gáo” từ căn cứ Bòng Bòng của địch bay lên quận lỵ Phong Điền và tỏa ra các hướng nhằm truy sát quân và dân ta.

Phát hiện đoàn biểu tình của người dân lên quận lỵ Phong Điền, 2 chiếc trực thăng đã dồn tất cả về thôn Khúc Lý-Ba Lạp, từ trên máy bay, chúng xả súng bắn vào đoàn biểu tình khiến 87 người, trong đó có 70 người già, 10 thanh niên, 4 phụ nữ và 3 trẻ em thiệt mạng. Đây được coi là cuộc thảm sát dân thường đẫm máu nhất trên mặt trận quận lỵ Phong Điền thời bấy giờ.

Những người tham gia cuộc biểu tình sống sót sau cuộc tàn sát ngày đó, giờ cũng đã mất, như ông Thoại, ông Thư, ông Sắt, ông Bôi, ông Viễn… Theo nhiều bô lão ở thôn Khúc Lý-Ba Lạp, tham gia đoàn biểu tình ngày đó không chỉ có người dân thôn Ưu Thượng và Khúc Lý-Ba Lạp mà còn nhiều người dân ở các xã: Phong Hòa, Phong Bình và Phong Thu với mục đích đấu tranh, hạ cờ Mỹ-ngụy, treo cờ quân giải phóng.

Để tưởng nhớ sự hy sinh của đồng bào, đồng chí, năm 1987, huyện Hương Điền (cũ) đã xây dựng Bia tưởng niệm ngay tại ngã ba Khúc Lý-Ba Lạp. Năm 2014, UBND huyện Phong Điền đầu tư 300 triệu đồng xây dựng, nâng cấp lại bia tưởng niệm. Hàng năm, vào dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc, Nhân dân khắp nơi đến viếng, thắp hương tưởng niệm những người đã ngã xuống cho độc lập dân tộc.

Vượt lên đau thương

Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ đau thương cũng dần khép lại. Những người dân thôn Khúc Lý-Ba Lạp đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển. Toàn thôn hiện có 72 hộ với hơn 200 nhân khẩu. Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nơi đây luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Toàn thôn có hơn 27 ha lúa, 10ha sắn, 2ha lạc, gần 7ha ném, hơn 10 ha cây ăn quả (trong đó có hơn 8 ha thanh trà) và hơn 51 ha rừng trồng. Trước đây, cây lúa cho năng suất từ 40 tạ, thì nay tăng lên 58 tạ/ha; lạc từ 10 tạ tăng lên 22tạ/ha; sắn năng suất bình quân 200 tạ/ha. Cây ném cho thu nhâp 120 triệu đồng/ha/năm. Nhiều vườn thanh trà cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Trong thôn có nhiều hộ gia đình cho thu nhập từ rừng trồng, cây ném, thanh trà với mức từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Điển hình như hộ bà Trần Thị Thủy thu nhập từ rừng trồng, ném, thanh trà lên đến 300 triệu đồng/năm; hộ ông Ngô Quốc Hùng, ông Ngô Yên cho thu nhập từ cây ném, thanh trà trên 200 triệu đồng/năm…

Ông Nguyễn Văn Hóa, Bí thư Chi bộ thôn Khúc Lý-Ba Lạp cho biết: Không chỉ phát triển kinh tế, làm giàu, người dân trong thôn đã đồng sức, đồng lòng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đường làng ngõ xóm và các công trình phúc lợi công cộng từng bước được đầu tư. Đến nay, thôn Khúc Lý-Ba Lạp là một trong những thôn đầu tiên của tỉnh hoàn thành bê tông 100% đường làng, ngõ xóm. Số hộ nghèo trong thôn hiện nay chỉ còn 2 hộ. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa trên 95%. Đáng chú ý, thôn Khúc Lý – Ba Lạp nhiều năm liền đạt danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến” và chuẩn bị được UBND huyện Phong Điền công nhận thôn đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 3…

Ông Đoàn Trung, Chủ tịch UBND xã Phong Thu khẳng định: Thôn Khúc Lý-Ba Lạp trong 2 cuộc kháng chiến là đơn vị tiên phong, tiêu biểu. Trong thời bình, luôn là thôn gương mẫu đi đầu trong lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các phong trào về văn hóa-văn nghệ, TDTT. Đây là thôn được xã Phong Thu chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, hầu hết các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới thôn đều đạt và vượt, cuộc sống người dân ngày càng ổn định và phát triển.

Bài, ảnh: Hải Huế