Kỹ sư Trần Thị Hồng Vân hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản

Lăn lộn với cơ sở

Mộc mạc, khiêm tốn và tâm huyết với nghề là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi gặp nữ kỹ sư trẻ Trần Thị Hồng Vân. Sinh ra và lớn lên trên vùng đầm phá xã Quảng Phước (Quảng Điền), từ nhỏ Vân đã chứng kiến niềm vui khôn xiết khi tôm được mùa, được giá và cả những nỗi lo đến mất ngủ khi tôm bị dịch bệnh của chính ba mẹ mình và người dân trong từng vụ tôm. Đó là lý do Vân quyết định thi vào Khoa Nuôi trồng thủy sản (Trường đại học Nông Lâm Huế), với mong muốn đưa tiến bộ khoa học đến với người dân nuôi trồng thủy sản.

Năm 2006, Vân được nhận vào làm chuyên viên bộ phận nuôi trồng thủy sản Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, phụ trách quản lý và hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho ngư dân 4 xã Quảng Phước, Quảng An, Quảng Công, Quảng  Phú.

“Để gặp được người dân tại hồ để kiểm tra, trao đổi về độ kiềm hay độ mặn và tình hình phát triển con giống, nhiều lúc tôi phải bắt đầu công việc từ  5 giờ sáng và về nhà lúc 7 giờ tối”, Vân kể. Cũng nhờ sâu sát với cơ sở, chị nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân để tham mưu, đề xuất xây dựng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vân tâm sự : “Công việc của một kỹ sư nuôi trồng thủy sản khá vất vả, bận rộn, nhưng bù lại tôi có niềm vui lớn là được bà con tin tưởng nhờ gỡ rối mỗi khi nuôi trồng thuỷ sản gặp khó khăn”.

Những tham mưu mang tính đột phá

Kỹ sư Trần Thị Hồng Vân nhớ lại, năm 2007, tôm sú trên địa bàn huyện Quảng Điền bị dịch bệnh hoành hành, tiếp đến năm 2008, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ngọt hoá kéo dài khiến người dân nuôi tôm sú phải thả con giống chậm hơn thời vụ 2 tháng. Nhiều người dân không còn mặn mà với nuôi trồng thủy sản. “Chứng kiến nhiều người dân bỏ hồ đi làm thuê làm mướn, những hộ bám trụ nuôi thì phấp phỏng lo âu, tôi cảm thấy mình như người có lỗi”, Vân tâm sự.

Tìm một mô hình nuôi trồng thủy sản ít dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu làm ngọt hoá kéo dài giúp dân là điều khiến Hồng Vân trăn trở.

Hồng Vân kể, trước đây từng chứng kiến một hộ dân nuôi xen ghép tự phát tôm sú với cá ong bầu thì tôm ít dịch bệnh hơn các hộ khác. Vì vậy, để hạn chế dịch bệnh trên tôm sú nên chăng nuôi xen ghép? Tuy nhiên, chọn đối tượng nuôi xen ghép thế nào vừa hạn chế được dịch bệnh trên tôm vừa thích ứng được với ngọt hóa kéo dài là một thử thách. Hồng Vân mày mò phân tích độ mặn thích ứng với nhiều con giống và biết được cá đối thích nghi với độ mặn từ 2 – 15‰, cá kình thích nghi độ mặt từ 8 - 15‰, cua và tôm cùng thích nghi độ mặn từ 5 - 15‰. Trên cơ sở đó, Vân suy ra có thể nuôi xen canh theo phương pháp: Giai đoạn đầu độ mặn thấp sẽ thả nuôi cá đối, khoảng một tháng sau khi độ mặn lên ngưỡng 5 – 7 ‰ thì thả tôm và cua, nửa tháng tiếp theo khi độ mặn lên trên 7 ‰ cũng là lúc bắt đầu có giống cá kình thì sẽ thả nuôi cá kình. Với cách thả xen ghép, người dân có thể cho thu hoạch dần.

Từ đó, kỹ sư trẻ Trần Thị Hồng Vân mạnh dạn đề xuất, tham mưu chuyển đổi từ hình thức chuyên canh tôm sú sang nuôi xen ghép, gồm tôm sú – cá đối – cua – cá kình. Đề xuất của Vân được cấp trên đồng ý và tạo điều kiện để thực hiện. Vân chia sẻ: “Lúc đó tôi vừa mừng vừa lo, vì cùng một lúc vừa thay đổi phương thức nuôi vừa bổ sung đối tượng nuôi. Mặc dù về mặt lý thuyết thì đúng nhưng không biết khi áp dụng vào thực tế như thế nào. Đó là khoảng thời gian tôi lo lắng và căng thẳng nhất”. Thí nghiệm trên diện tích 7,5 ha cho 6 hộ dân thuộc 2 xã Quảng Phước và Quảng An, kết quả các con giống phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt ở ngưỡng cho phép, mỗi ha thu lãi từ 35 đến 40 triệu đồng, gấp nhiều lần so với chuyên canh tôm trước đây khoảng 10 đến 15 triệu đồng/ha, người dân ai cũng phấn khởi. Quan trọng hơn là hạn chế được dịch bệnh cho tôm và thích ứng được ngọt hoá kéo dài trong nuôi trồng thủy hải sản.

Sau thí điểm thành công, mô hình nuôi xen ghép đã nhanh chóng được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện Quảng Điền. Riêng năm 2017, toàn huyện có 674,71 ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó diện tích nuôi xen ghép tôm sú – cá đối – cua – cá kình 648,35 ha, chiếm 96% diện tích toàn huyện.

Đáng chú ý, để ứng phó với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thuỷ sản bền vững và lâu dài, Vân còn vận động người dân trồng cây ngập mặn và dùng chế phẩm sinh học men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Năm 2009, Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện Quảng Điền được thành lập, Trần Thị Hồng Vân được chuyển qua công tác tại đây và năm 2013, chị được bổ nhiệm giữ vị trí phó trưởng trạm và tiếp tục làm tốt nhiệm vụ của mình.

Anh Nguyễn Văn Quang, Trưởng trạm Khuyến nông lâm ngư huyện Quảng Điền đánh giá: Chị Trần Thị Hồng Vân là người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Chị là một kỹ sư không ngại khó ngại khổ, lăn xả với cơ sở để chuyển giao tiến bộ khoa học cho người dân và luôn biết lắng nghe, học hỏi từ người dân để có những tham mưu, đề xuất gắn với lợi ích kinh tế cho bà con nông dân. Mô hình nuôi xen ghép tôm sú – cá đối – cua – cá kình là một ví dụ.

Bài, ảnh: Hải Thuận