Thông tin về tình hình dự trữ ngoại hối của nước ta, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa cho biết, tính đến hết tháng 4 năm 2018, dự trữ ngoại hối đã đạt gần 63 tỷ USD. Như vậy trong hơn 2 năm qua chúng ta đã mua thêm 32 tỷ USD.
Với lượng dự trữ ngoại hối dồi dào như trên góp phần tăng nguồn lực quốc gia và là một cơ sở quan trọng giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để tiếp tục linh hoạt hơn trong các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là tạo điều kiện giữ ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị VND.
Năm 2017, tỷ giá trung tâm USD/VND chỉ tăng 1,2% cho cả năm, thấp hơn mục tiêu đề ra là 2%. Và tính đến hết quý 1 năm nay, theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tỷ giá USD/VND ổn định và tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Tính đến ngày 29/03/2018, tỷ giá trung tâm ở mức 22.463 VND/USD, tăng 0,21% so với cuối năm 2017.
Do vậy, có thể nói, nếu tính từ đầu năm đến nay, dự trữ ngoại hối dồi dào cũng phần nào góp sức để ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ cũng đánh giá kinh tế vĩ mô 4 tháng tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,8%), lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,62%). Mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định.
Và một trong những vai trò quan trọng của dự trữ ngoại hối quốc gia là nhằm phục vụ cho thanh toán quốc tế, giảm rủi ro biến động tỷ giá. Cán cân thanh toán quốc tế năm 2017 thặng dư cao nhất trong 5 năm liền kề, chủ yếu nhờ cán cân vốn tăng đột biến (tăng 85%) do vốn đầu từ gián tiếp nước ngoài tăng mạnh.
Quý 1/2018, cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư ở mức cao. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phát triển với nhiều tín hiệu tốt, ngay trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% và xuất siêu đạt tới 3,39 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Một điểm tích cực nữa, khi ngoại hối dự trữ dồi dào thì sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài tăng niềm tin đầu tư vào thị trường Việt Nam nhờ giảm lo ngại về rủi ro tỷ giá. Với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam vẫn đang được nhiều nghiên cứu quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư. Thực tế, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam (vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng 6,3% trong 4 tháng qua).
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng từng khẳng định, tăng dự trữ ngoại tệ không chỉ cung ứng đầy đủ ngoại tệ cho nền kinh tế, xuất khẩu, kiểm soát thị trường ngoại tệ mà còn góp phần củng cố vị thế quốc gia, tạo lòng tin cho nhà đầu tư vào Việt Nam.
Theo VOV