Nếu như tháng 2, gạo tồn trong kho của Tổng công ty Miền Nam chiếm số lượng áp đảo, thì sang tháng 3, doanh nghiệp này chỉ đứng thứ hai, sau Tổng công ty Lương thực miền Bắc.

Tính đến hết tháng 3/2018, cả nước còn tồn khoảng 784.397 tấn gạo

Cụ thể, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đang tồn cỡ 190.000 tấn, tăng 114.000 tấn so với tháng 2 và đứng vị trí áp đảo. Tiếp đến là Tổng công ty miền Nam với lượng gạo tồn hơn 157.000 tấn, tăng 36 tấn so với tháng 2 nhưng vẫn ở mức thấp hơn gần một nửa so với cùng thời điểm cuối năm ngoái.

Số còn lại gần 436.988 tấn thuộc về các doanh nghiệp khác thành viên của hiệp hội. So với tháng 2, lượng gạo tồn trong các doanh nghiệp này đang giảm khoảng 18.000 tấn.

Cũng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 3, cả nước xuất khẩu được hơn 471.000 tấn, tăng hơn so với tháng 2 khoảng 28.000 tấn gạo, đạt trị giá FOB 214,443 triệu USD với giá bình quân 487,08 USD/tấn. So với cuối năm 2017, giá trị gạo xuất khẩu đang tăng cỡ 23,09%, trị giá CIF tăng 24,15% và giá FOB bình quân tăng 41,9 USD/tấn.

Gộp chung lại, tính từ ngày 1/1 đến hết 31/3/2018, lượng gạo đã xuất khẩu được là 1,282 triệu tấn, tăng 471.000 tấn so với tháng 2, trị giá 632,771 triệu USD. Như vậy, theo Hiệp hội, so với cùng kỳ năm 2017, số lượng đã tăng 17,35%, còn trị giá tăng 30,89%. Riêng giá bình quân tăng so với cùng kỳ năm ngoái cỡ 49,97 USD/tấn.

Hiệp hội cũng cho biết, vừa qua phía Philippines có thư mời phía Việt Nam dự thầu cung cấp 250.000 tấn gạo, loại 25% tấm và 15% tấm, theo Bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa hai nước. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ thầu, Hiệp hội nhận thấy một số tiêu chuẩn và điều kiện thầu của Philippines lần này đang khác với các lần thầu trước đây. Cụ thể, quy cách tiêu chuẩn gạo của nước bạn yêu cầu cao hơn, đặc biệt là chiều dài của hạt tấm (lần này là 5.5mm tương đương với chiều dài hạt nguyên là 7.4mm).

Theo Hiệp hội, Việt Nam hiện không có loại gạo trắng thường có chiều dài theo tiêu chuẩn của phía Philippines. Và tiêu chuẩn như vậy cũng hoàn toàn không phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu gạo trắng thường của Việt Nam. Chưa kể, điều khoản về kiểm định và khử trùng hàng hóa cũng như phạt về giao hàng chậm mà phía nước bạn đưa ra cũng rất khó thực hiện.

Do đó, Hiệp hội đề xuất phía Việt Nam cần có văn bản gửi tới Philippines đề xuất điều chỉnh lại các điều kiện thầu cũng như quy chuẩn kể trên. “Nếu Philippines không điều chỉnh thì Việt Nam sẽ rất khó tham gia thầu”, Hiệp hội cho biết.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2017, tổng khối lượng xuất khẩu gạo đạt mức 5,9 - 6 triệu tấn, tăng 1,1 - 1,2 triệu tấn so với năm 2016. Việt Nam đã xuất khẩu gạo tới 132 thị trường trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất. 10 tháng qua, xuất khẩu sang Trung Quốc đã chiếm 40% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam với khối lượng đạt 2,03 triệu tấn, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm ngoái, giữ vị thế là thị trường gạo lớn nhất của nước ta.

Trong năm 2018, một số dự báo cho thấy thị trường gạo thế giới sẽ sôi động hơn. Riêng Việt Nam được dự báo, lượng gạo xuất khẩu năm 2018 có thể tăng thêm 400 ngàn tấn so năm 2017 để đạt mức 6 triệu tấn. Gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên chủ yếu nhờ nhu cầu ở Đông Nam Á, nhất là tại Philippines.

Theo Dân trí