Những dãy ghế kín chỗ! Phòng xét xử, ngoài những người đến tham gia tố tụng tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án, phần lớn là thân nhân, đồng nghiệp, bạn bè bị cáo. Số lượng dự khán đông, nhưng không khí phòng xét xử lặng lẽ, những mặt người đăm chiêu! Có lẽ ai cũng hiểu, đồng nghiệp không muốn chứng kiến người từng bao năm sát cánh trong công việc, vì những sai lầm đáng tiếc phải đứng sau vành móng ngựa, chịu sự trừng phạt của pháp luật. Người thân bị cáo càng đau lòng khi ruột thịt của mình “đi sai đường”.

Tòa hỏi: “Số tiền chiếm đoạt, bị cáo sử dụng vào mục đích gì?” Lúng túng giây lát, bị cáo trả lời: “Bị cáo chi tiêu cá nhân”. Tòa lại hỏi: “Bị cáo có đưa tiền đó về sử dụng chi tiêu trong gia đình không? Có sử dụng để mua đất không?” Bị cáo: “Thưa hoàn toàn không.” Tòa truy: “Vậy bị cáo chi tiêu cá nhân là chi tiêu thế nào?” Bị cáo lí nhí: “Bị cáo ăn chơi đua đòi hết.”

Nhiều tiếng thở dài. Người thân của bị cáo cúi mặt như thể chính họ là người có lỗi. Nhất là chồng bị cáo, dường như không dám nhìn ai. Có lẽ nỗi đau của người đàn ông này bị nhân lên nhiều lần khi người phụ nữ đó không hề nghĩ đến gia đình sẽ đổ vỡ, mỗi thành viên trong gia đình phải chịu tổn thương dài lâu như thế nào, bởi có người vợ, người mẹ phạm tội chỉ để “ăn chơi đua đòi”!

Tòa hỏi ý kiến về thửa đất đứng tên vợ chồng (nay đã bị kê biên), chồng bị cáo nghẹn ngào trình bày, thửa đất đó hoàn toàn không “dính dáng” đến đồng tiền bị cáo phạm tội mà có. Tuy nhiên, thửa đất là tài sản chung vợ chồng nên ông đồng ý lấy một nửa giá trị tài sản này (phần của bị cáo) để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do bị cáo gây ra. Phần của ông để dành cho các con.

5 bị hại bị lừa “tiền xin việc” ai cũng lo lắng số tiền đã đưa cho bị cáo khó có thể lấy lại được. Một phụ nữ xống áo lam lũ, bị lừa mất 70 triệu đồng mếu máo: “Chị ấy nói muốn xin được việc cho con trai tui, phải tốn khoản tiền 100 triệu đồng, đưa trước cho chị ấy 70 triệu, khi nào có quyết định đi làm thì đưa nốt số tiền còn lại. Nhà tui ở nông thôn, số tiền đó to lắm, làm sao có được. Nhưng tin tưởng chị ấy là cán bộ nhà nước, sốt ruột muốn con có việc làm nên gia đình chỉ còn cách thế chấp nhà đất vay ngân hàng 100 triệu đồng. Giờ, con không có việc, hàng tháng phải trả lãi. Không biết khi nào mới trả được tiền, lấy giấy tờ nhà đất về?”. Giờ phiên tòa tạm nghỉ để Hội đồng xét xử nghị án, chị cứ chạy lui chạy tới từ kiểm sát viên đến trợ giúp viên pháp lý (thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, bào chữa cho bị cáo) để hỏi sau khi tòa xử xong, làm cách nào có thể lấy được tiền đã đưa cho bị cáo? Lại những tiếng thở dài hắt ra!

Có lẽ cũng vì những tiếng thở dài lo âu não nề của những người bị hại khiến chồng bị cáo càng muốn tránh xa đám đông người dự khán. Một mình ông lủi thủi ra đứng ngoài hành lang, trong lúc đồng nghiệp, bạn bè và những người thân khác tranh thủ nói những lời thăm hỏi, động viên bị cáo gắng cải tạo tốt. Cúi mặt rơm rớm nước mắt, có lẽ bị cáo cũng đang rối bời ân hận vì đã trượt ngã. Nhưng tất cả đã quá muộn.

Duy Trí