Chia sẻ các địa chỉ tư vấn tuyển sinh trực tuyến cho thí sinh
“Nóng” hỏi - đáp
TS. Hoàng Tịnh Bảo, Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Thường trực Ban Tư vấn - Quảng bá tuyển sinh ĐH Huế cho biết, bắt đầu từ tháng 4/2018, lượng câu hỏi thí sinh gửi về nhờ tư vấn tăng lên. Trung bình mỗi ngày có hàng chục lượt thí sinh liên hệ đến ĐH Huế nhờ tư vấn, trong đó chủ yếu là các nhóm vấn đề về thông tin ưu tiên xét tuyển, cách thức xét tuyển, ngành nghề đào tạo, quy chế tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển, thi tuyển năng khiếu. So với giai đoạn trước đó, mức độ quan tâm của thí sinh về các vấn đề tuyển sinh sâu hơn; câu hỏi đặt ra cũng đa dạng hơn. Thí sinh gửi câu hỏi đến nhờ tư vấn không chỉ ở Huế mà còn ở nhiều tỉnh, thành, nhất là khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc ĐH Huế tiếp nhận hàng chục, thậm chí cả trăm lượt câu hỏi của thí sinh vào mỗi ngày. Ths. Trần Võ Văn May, Thường trực Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm chia sẻ, sau Tết Nguyên đán đến nay, nhà trường trả lời khoảng 2.000 lượt câu hỏi của thí sinh, chủ yếu liên quan đến các ngành học mà nhà trường công bố xét tuyển. Thí sinh hỏi ở nhiều khung giờ khác nhau, kể cả ban đêm, song cán bộ tư vấn vẫn cập nhật câu hỏi thường xuyên và trả lời nhanh chóng.
Ông Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Thường trực Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế cho biết, thí sinh rất chuộng hình thức tương tác liên tục, như messenger của facebook. Chỉ trong giai đoạn từ đầu tháng 4/2018 đến nay đã có hơn 3.000 lượt câu hỏi của thí sinh được trao đổi qua tài khoản messenger (tài khoản tư vấn tuyển sinh của trường) và ứng dụng chat trên trang web tuyển sinh. Nhiều thí sinh chỉ hỏi một vài câu, nhưng cũng có không ít thí sinh hỏi rất kỹ, tương tác liên tục với cán bộ tư vấn đến 15 – 20 phút.
Nhiều thí sinh thừa nhận, khác với hình thức tư vấn tuyển sinh trực tiếp, hình thức tư vấn qua online khiến họ mạnh dạn trao đổi hơn. Ngoài những câu hỏi chung về quy chế và các vấn đề liên quan đến tuyển sinh, nhiều thí sinh cũng thẳng thắn trao đổi trường hợp cá nhân liên quan đến xét tuyển. Hồ Văn Toàn, thí sinh Trường THPT ở A Lưới, cho biết: “Em ngại hỏi trực tiếp trước đông người nên em đã gửi câu hỏi riêng về hoàn cảnh của em liên quan đến những chế độ ưu tiên hộ nghèo và cộng điểm khu vực. Qua phần trả lời các thầy cô, thắc mắc của em được giải đáp đến nơi đến chốn”.
Nhanh và kịp thời
Theo đại diện Ban Tư vấn Quảng bá tuyển sinh ĐH Huế và các trường thành viên, hiện tại chưa phải là cao điểm nhất trong công tác tư vấn tuyển sinh mà “nóng” nhất là sau giai đoạn công bố điểm trúng tuyển với hàng trăm câu hỏi mỗi ngày. Vì vậy, các đơn vị giáo dục tiếp tục sẵn sàng phương án, đáp ứng mục tiêu giải đáp thắc mắc nhanh và kịp thời cho các thí sinh, tránh tình trạng “đọng” lại câu hỏi lâu.
Theo TS. Hoàng Tịnh Bảo, năm nay, ĐH Huế đã thay đổi giao diện, thiết kế lại phần tư vấn tuyển sinh để thí sinh dễ dàng đăng nhập. Qua các đợt tư vấn tuyển sinh trực tiếp và các thông báo tuyển sinh trên các phương tiện truyền thông, ĐH cũng cung cấp hệ thống email và các facebook khác nhau để thí sinh tìm hiểu, lựa chọn kênh trao đổi phù hợp. ĐH Huế bố trí 3 cán bộ trực tư vấn từ 7 giờ sáng đến 23 giờ đêm mỗi ngày, đồng thời phối hợp với chuyên gia các phòng, ban chức năng để liên hệ, trả lời sâu các vấn đề mà thí sinh muốn hỏi.
Ở các trường, kế hoạch phân công trực tư vấn tuyển sinh được chia theo từng giai đoạn tuyển sinh, những ngày cao điểm lên đến hàng chục người trực tư vấn. Điển hình như Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông Lâm phân công đến 15 cán bộ tư vấn, đảm nhận mỗi người một mảng để trả lời kỹ câu hỏi của thí sinh. Thông tin được trả lời trong ngày, thậm chí tức thì và tương tác liên tục với thí sinh kể cả ngày lễ hoặc cuối tuần. Nhà trường cũng lưu lại dữ liệu thông tin thí sinh thắc mắc có liên quan sau đợt xét tuyển để tiếp tục phục vụ, giải đáp thêm cho thí sinh. Theo ông May, quan điểm của nhà trường là giải đáp kỹ những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh. Điều này mang lại sự yên tâm cho họ nhưng cũng là cách để nhà trường tạo sự thiện cảm đối với thí sinh, qua đó mang tại hiệu quả trong công tác tuyển sinh.
Theo cán bộ tư vấn tuyển sinh các trường, email và các ứng dụng khác đều có thể gửi đính kèm các file hình ảnh, thông tin, thí sinh nên tận dụng để gửi kèm trong các câu hỏi cần thiết. Ngoài ra, các trường có những số điện thoại đường dây nóng tư vấn tuyển sinh, thí sinh cũng có thể liên hệ để được giải đáp.
Bài, ảnh: Hữu Phúc