Sắp xếp bộ máy dựa trên chức năng, nhiệm vụ nhằm tạo nên động lực cho sự phát triển chung. Ảnh minh họa: TTXVN

“Vấn đề đặt ra thế nào thì phải cương quyết thôi. Bộ Nội vụ cũng phải sắp xếp và cũng phải dựa trên chức năng, nhiệm vụ tương đồng để hợp nhất, sáp nhập chứ không phải cộng cơ học”, Thứ trưởng này cho hay.

Theo Thứ trưởng Triệu Văn Cường, Bộ Nội vụ đưa ra nhiều phương án khác nhau, dựa vào tình hình thực tế của các tỉnh, bộ, ngành khác nhau để triển khai sao cho phù hợp và việc này được thực hiện theo lộ trình. Các địa phương cũng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tựu chung là ủng hộ việc sắp xếp các sở. Nếu được triển khai, sẽ tác động rất tốt đến bộ máy hành chính hiện nay. Những thay đổi mà Bộ Nội vụ đưa ra đều đóng góp nhiều lợi ích cho sự phát triển của đất nước.

Nói về việc sắp xếp bộ máy cấp bộ sau khi thực hiện ở cấp sở, ông Triệu Văn Cường cho biết, Bộ đang tiếp tục tham khảo và xin ý kiến để có lộ trình cụ thể, mục đích là để công việc tốt hơn.

Minh bạch để kiểm soát quyền lực tốt hơn

Liên quan đến dự thảo Nghị định, ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương đồng tình với quy định sở có từ 6 đầu mối tổ chức trở lên có không quá 3 phó giám đốc, dưới 6 đầu mối tổ chức có không quá 2 phó giám đốc (trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).

Về cơ cấu các sở “cứng” và sở “mềm”, ông Phạm Văn Tỏ cho biết, cơ bản thống nhất với phương án của Bộ Nội vụ, tuy nhiên với sở chuyên môn thì nên thống nhất trong cả nước. “Nếu để cho các địa phương dẫn đến tùy tiện, mang ý chí chủ quan, vấn đề này phải nghiên cứu hết sức khách quan… Nên quy định cứng để có tính minh bạch hơn”, ông Phạm Văn Tỏ nói.

Về số lượng phòng, ông cho rằng cũng nên quy định cứng để địa phương áp dụng cho thuận lợi. “Để kiểm soát quyền lực, nên có chính sách minh bạch. Chính sách minh bạch thì kiểm soát quyền lực mới thuận lợi. Nếu không họ sẽ dễ lợi dụng tùy tiện”, Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương cho hay.

Theo ông, từ trước đến nay không có quy định bao nhiêu nhân viên thì có một lãnh đạo nên mới có chuyện bổ nhiệm không có cơ sở, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo để xuống làm việc với cơ sở, doanh nghiệp, người dân cho thuận lợi.

Việc quy định cứng như dự thảo Nghị định sẽ giải quyết được tình trạng này, minh bạch hơn, kiểm soát quyền lực tốt hơn, không lợi dụng được. Khi thực hiện quy định mới, số lượng cấp phó sẽ dôi dư. Theo quy định của Trung ương, số này sẽ được bảo lưu, tối đa 3 năm phải sắp xếp hết.

Ông Phạm Văn Tỏ cũng cho rằng khi sáp nhập, chức danh lãnh đạo thủ trưởng các đơn vị sẽ dôi dư. Với đối tượng này, có thể giải quyết nghỉ sớm theo Nghị định 108 về tinh giản biên chế, sắp xếp điều chuyển công việc cho hợp lý.

Để chọn được một giám đốc sở sau sáp nhập thì bên cạnh việc xem xét năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của họ trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo trước đây, cần thực hiện cơ chế thi tuyển để đánh giá chương trình hành động của ứng cử viên này, có như vậy mới đảm bảo khả năng điều hành đơn vị mới tốt hơn.

“Khi sáp nhập, khó khăn nhất là phải xếp sắp đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Các phòng chuyên môn phải nhập lại thì số lượng trưởng phòng - khi mà 2 sở sáp nhập - sẽ dôi dư, có những phòng trùng nhau về chức năng, nhiệm vụ”, ông Phạm Văn Tỏ chia sẻ. Ông cho rằng cần tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức các đơn vị trong toàn hệ thống thông hiểu chính sách của Đảng, Nhà nước là cơ cấu lại đội ngũ và sắp xếp bộ máy cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo TTXVN