Khu vực miền Trung nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng hàng năm đều phải đối mặt với bão lụt. Sống chung với bão lụt đã trở thành thói quen thường trực trong đời sống người dân. Trong phát triển kinh tế, xã hội, yếu tố lụt bão đều được các địa phương tính toán trong hoạch định hướng đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nhìn vào thiệt hại sau cơn bão số 10, nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh định hướng phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Chẳng hạn, hàng ngàn ha cao su đang độ tuổi thu hoạch ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị san phẳng sau cơn bão, phải mất cả chục năm mới có thể khôi phục được. Trong khi đó, từ xưa đến nay vùng này không ai trồng cao su. Phải chăng, người ta chỉ thấy lợi ích trước mắt, trong khi chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây cao su phải trên 50 năm. Chỉ cần 15-20 năm có cơn bão mạnh thì tổn thất là điều không tránh khỏi. Điều này tôi từng chứng kiến ở Nam Đông sau cơn bão năm 2005.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, sau cơn bão nhiều lồng bè, hồ đập bị hư hại nặng nề. Tuy nhiên, các hồ nuôi tôm được lát kè bằng bê tông ít bị hư hỏng hơn so với cách đầu tư tạm bợ của các hộ dân. Với nghề nuôi cá lồng bè, nếu đầu tư theo kiểu thông thường, lồng bè thường bị cuốn trôi, hư hỏng sau mỗi trận bão lũ. Nhưng với mô hình nuôi cá lồng theo công nghệ Đan Mạch, được Chương trình hỗ trợ ngành thủy sản giai đoạn II (FSPS) hỗ trợ đầu tư ở xã Hải Dương (Hương Trà), lồng có tuổi thọ 20 năm, chịu được gió to sóng lớn giúp nghề nuôi trồng thuỷ sản ở đây phát triển an toàn, bền vững.

Hoặc, xem trên truyền hình tôi thấy, đa phần nhà bị sập đổ, tốc mái ở huyện Phú Lộc đều nằm ở khu vực ven biển, đầm phá và nhà không kiên cố. Điều đó chứng tỏ, nhà bị sập đổ, hư hỏng đa phần là của hộ nghèo, khiến bao nỗ lực xoá nghèo của người dân và các cấp chính quyền tiêu tan trong phút chốc. Bàn về điều này, một cán bộ cơ sở đề xuất, khi thực hiện xoá nhà tạm, chúng ta không nên dàn trải, chạy theo số lượng mà nên tập trung nguồn lực giúp người dân xây dựng nhà kiên cố, tập trung cho nhà chính (dù diện tích có hẹp hơn) mới là cách làm hiệu quả, bền vững.

Thiệt hại do thiên tai gây ra là khó tránh khỏi, nhưng chúng ta có thể hạn chế thiệt hại bằng các giải pháp đầu tư bền vững. Với vùng đất thường xuyên hứng chịu bão lụt thì điều này càng cần thường trực trong tư duy từ cán bộ lãnh đạo các cấp đến người dân trong việc hoạch định chính sách, kế hoạch và giải pháp đầu tư. Chậm mà chắc, ít mà tinh, tốn kém một lần nhưng bền vững mới là cách đầu tư hiệu quả nhất.

Hoàng Giang