Người dưng mới gặp lần đầu mà ngỡ như đã cùng nhau đi chung một chặng. Giống như hai người bạn trong thước phim cũ, lâu ngày gặp lại, mở ra coi.

Cái nắng đầu mùa làm tôi muốn xa thành phố. Nắng mới chỉ xinh chứ chưa đẹp, như còn thiếu chút nồng nàn mới đủ độ đằm thắm, mê man. Ve kêu rền rĩ từ trong sương mù đến khi mặt trời tắt bóng. Bỗng thấy ngày thừa thãi sự ồn ào mà thiếu nét tịch mịch hoang sơ. Quyết định chạy xe về Tam Giang, để đi đò giữa mênh mông sóng nước, và ngắm hoàng hôn buông trên đầm phá. Nghĩ thế là lên đường. Đi ngang Vỹ Dạ, chợt thấy cái biển đề trà gốm đi vào trong hẻm. Linh tính mách bảo hình như nơi này xa lạ nhưng đủ thiết tha. Rẽ vào. Nhìn quanh không thấy ai. Ngước lên ban công, thấy mái tóc dài nhoẻn miệng cười, nói cứ đậu xe trước cửa. Nhìn vô trong nhà thấy gốm nằm ngoan ngoãn và riêng tư ở đó. Tam Giang thất sủng. Lúc ấy chỉ còn lại những xa lạ không tên đang ngự trị trong đầu.

Tôi rón rén bước vào, mạn phép ngồi tạm chỗ bàn trà nhìn sang vườn cây nhà bên cạnh. Chủ quán đi xuống, cười hiền, tôi mau mắn nói em đi ngang thấy cái biển hiệu nên đi vô. Chị có dáng người mảnh nhỏ, gương mặt rất điện ảnh, hao hao giống nhân vật nữ chính trong những bộ phim kiệm lời của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Mái tóc đen, dài và mỏng, được cột đơn giản vắt sau lưng. Giọng nói nhỏ nhẹ kiểu Huế ngày xưa, phải lắng tai nghe mới rõ từng lời. Một vẻ đẹp kiểu phương Đông truyền thống nhưng vẫn hiện lên nét cá tính và khoáng đạt trong mắt nhìn.

Chủ quán pha trà. Bộ ly tách của Nhật, được chế tác rất phá cách. Chúng trông có vẻ gồ ghề, xù xì, méo nó nhưng kỳ thực lại đạt đến độ tinh xảo trong từng chi tiết. Tôi lặng lẽ ngồi nhìn, trong lòng có chút ái ngại vì chợt nhận ra đây là nơi bán gốm, mình ngồi thế này không biết có phiền hà hay không. Thế rồi trà đã pha xong, nụ cười trìu mến của chủ quán làm cảm giác ái ngại khi nãy như biến mất. Nắng chiếu thẳng vào bàn trà nơi chúng tôi ngồi, khá gắt nhưng không thấy khó chịu. Sau nước trà thứ nhất, câu chuyện giữa hai người xa lạ được rút gần khoảng cách. Chị chia sẻ về những chuyến đi ra Bắc như Đồng Văn, Sa Pa, Mộc Châu... một cách thích thú, trong khi, đó là những nơi mà tôi đã từng nằm vùng dài ngày trong những năm tháng của tuổi hai mươi. Tôi nói, theo em đó là những nơi hay nhất của miền núi phía Bắc, có thể ở đó cả tháng mà chưa muốn về. Còn bây giờ, em lại chỉ thích ở yên một chỗ, không rong ruổi tàu xe, ít giao lưu gặp gỡ, và em chọn Huế là nơi trú ngụ của mình. Chị gật đầu, rót trà và đưa mắt nhìn ra khu vườn bên cạnh.

Nhìn nắng dần tắt dưới đáy chén trà, biết rằng chiều sắp cạn. Khánh Ly đang hát Dấu chân địa đàng, trà và nhạc quá hợp trong không gian và thời khắc này. Chị nói đã từng trải qua nhiều nghề nhưng với gốm là gắn bó lâu nhất. Từ ngày với gốm, không cần phải đi đâu xa, chỉ riêng mình với căn phòng đầy gốm này là thấy đủ. Nước trà vẫn xanh, không nhớ là đã uống đến ấm thứ mấy nhưng biết chắc là thấm mãi không quên. Chợt nhận ra, nơi uống trà được có thể là nơi cư trú được.

Một cuộc gặp tình cờ, nói những câu chuyện không đầu không cuối, không cả những thăm hỏi về độ tuổi của nhau. Chúng tôi gặp nhau ở những câu chuyện về chuyến đi, tập quán cá nhân và cả những cô đơn cố hữu của người phụ nữ. Khi chạy xe về, nhận ra chúng tôi không biết tên nhau, không hẹn ngày tái ngộ nhưng không hiểu sao cứ có dự cảm về sự tình cờ của những ngày sau đó...

NGUYÊN HƯƠNG