Làng tôi đây rồi. Chiếc cổng làng hoành tráng do một con dân trong làng từ phương xa gửi tiền về cúng xây dựng. Hoàng tráng nhưng mà vẫn khiêm cung, vẫn không chỏi với cảnh quan bờ tre ruộng lúa. Những năm gần đây, cùng với đà phát triển chung, làng tôi cũng đổi khác nhiều lắm. Nhà xây mái ngói nhiều hơn, điện nước đã về tận từng hộ gia đình, đường ngang ngõ tắt thảy đều đã được bê tông hoá, xe cộ cứ là chạy êm ro, không xìa lên trợt xuống mỗi khi trời mưa như trước nữa. Đầu mỗi con đường dẫn vào từng xóm, đâu đâu cũng xây cổng chào…

 

Cũng còn có ý kiến này ý kiến khác với chuyện tràn lan cổng chào này. Nhưng rồi thấy xóm người ta xây, không lẽ xóm mình chịu lép về? Có lẽ một phần cũng bởi tâm lý ấy mà bây giờ gần như một trăm phần trăm đều có cổng chào. Cổng xây xong, trên đầu cổng được trang trọng treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng và một dàn cờ nhiều màu sắc trông rất rộn ràng, khí thế. Duy có điều, cờ được treo lên rồi cứ để vậy hết ngày này qua tháng khác. Không thấy mang xuống bảo quản, mà hình như cũng chẳng có ai để mắt thay mới. Thế nên, sau một thời gian, màu cờ lá thì chuyển sang trắng bệch, lá chuyển màu nâu nhợt, có lá bị gió xé te tua, thậm chí chỉ còn có một nửa! Vậy mà rất lạ, ông trưởng xóm, bác trưởng thôn, đồng chí bí thư chi bộ, anh bí thư Đoàn thanh niên, hay chị Hội trưởng phụ nữ… không biết đi đâu cả mà chẳng thấy chỉ đạo, nhắc nhở để khắc phục.

 

- Thà để cái cổng bình thường mà lại đẹp. Đến khi có lễ lạc thì mang cờ ra. Ai bắt buộc đâu mà cứ để cờ mãi hoài như thế. Mà có để thì phải lưu tâm, phải chăm chút. Cũ, rách phải thay ngay. Chứ treo cờ như thế thì phản cảm quá. Thà rằng đừng treo.

Bà vợ tôi lầm bầm. Và tôi cũng đồng cảm.

 

Mà cũng cần nói thêm, đó là hiện tượng không phải cá biệt ở làng tôi. Hãy thử đi một vòng mà xem. Ngoai ô, nội ô, nông thôn, miền núi…Tình trạng phản cảm như trên không phải là hiếm gặp. Rất cần một sự để mắt, chấn chỉnh.

Hàn Yên