Đôi bàn tay ấy cứ “chao liệng” trên miệng nồi nóng hổi

Ngày trước khi đi ăn, thấy quán nào có mấy dì người hơi mũm mĩm, tay phăm phăm chặt thịt, xào nấu là tấp vào ngay. Vì tin tưởng dáng hình ấy chắc cũng đã kinh qua bao năm kinh nghiệm, nên khó mà không ngon cho được. Dù giờ phụ nữ vẫn chiếm số đông và vẫn cái dáng hình “đô con” ấy, nhưng lác đác ở đâu lại thấy cung giọng ồm ồm “Anh ăn gì, chị uống chi”  chẳng lẫn với một người nào khác.

Về cái ngày gian bếp hoàn toàn là của mẹ, thì mỗi lần mẹ vắng nhà là kiểu gì mấy cha con nửa buồn, nửa vui. Nhiều đoạn các mẹ cũng hay phấp phỏng gọi về hỏi các con đã ăn uống đủ chưa, nhưng lâu dần... và đến giờ thì mẹ “khỏe dữ”, khi ba thế chỗ lăng xăng xào xào, nấu nấu mấy món đơn giản nhưng rất được lòng các thực khách nhỏ.

Say mê

Tôi nhớ về một đợt rất xa, con gái còn có cả một bài ghi tưởng như chi tiết về cách ba xào thịt bò. Dù vỏn vẹn đâu có 2 bước, cắt, xào, không cần nếm, ấy thế mà vẫn đậm đà và ngon khó tả. Ba vừa ra tay nấu, vừa tự tấm tắc khen nên đôi lúc cũng vui ra mặt. Nhưng sau này chắc lại bực mình và đôi phần hối hận, vì nấu ngon, nên thành ra đa số những lúc tranh thủ ngồi lân la với bạn bè mà điện thoại cứ canh cánh kiểu hối thúc: “Ba về nấu nồi canh, kho nồi thịt ba hấy”.

Tôi đoán chắc đôi lúc những cung bậc cảm xúc ấy đã trào lên dữ dội lắm, do dạo này nghe con rên đói là ba “đánh lái” liền, còn mẹ thì vui ra mặt. Không hiểu nó thương mẹ, hay quý ba, nhưng riêng cái khoản vào bếp, thì tính đến thời điểm hiện tại, chị em tôi cũng thèm đôi bàn tay gân guốc nêm nếm gia vị của ba nhiều hơn.

Mà dạo này xu hướng ấy lên ngôi thật, khi những người đàn ông không còn quan niệm xấu hổ, hay ỉ ôi về việc phải làm việc lớn như trước nữa. Ở bên nửa kia của bầu trời, Gordon Ramsay, Graham Elliot – hai trong số những đầu bếp siêu nổi tiếng thế giới chắc nghiệm ra chân lý này sớm, cùng lúc cũng kết hợp với đam mê, nên vừa được nấu ăn ngon, vừa có tài chính rủng rỉnh. Con người từ ấy mà phóng khoáng, hào sảng hẳn ra. Mấy anh Việt Nam lúc này có lẽ đã cảm được về đôi bàn tay hợp bếp của mình, nên dù có chậm, thì những dáng hình đô to ấy cũng dần vui vẻ đứng sau lò lửa.

Quán ốc của anh chủ thường rất đông

Với trình độ ăn uống ở "nước Huế", chắc ông bác ở tiệm bánh canh đầu đường Phạm Hồng Thái là người đầu bếp dày dạn kinh nghiệm nhất mà tôi từng thấy. Nhìn bác ngồi xung quanh mấy nồi nước dùng, rổ bột và mấy chồng thịt, cua cao ngất mà lòng cứ tưởng tượng về những hình ảnh hồi mình còn nhỏ ham chơi đồ hàng, bán bún, bán thịt. Bàn tay to thô ấy thấy thế mà cũng thoăn thoắt chao qua chao lại vành muôi để múc miếng cua to mà không dính nước mỡ. Kỹ năng này tôi đi ăn thấy hoài, về cũng luyện tập với xoong canh ở nhà mà chưa làm được, thành ra cứ muốn đến mãi để ngắm đôi bàn tay ấy cứ “chao liệng” trên miệng nồi nóng hổi.

Trẻ hơn xíu nữa là ông anh đứng tuổi bán hủ tiếu gõ dọc đường. Tôi quan sát kỹ rồi, hầu hết những gánh hủ tiếu ngon không ai là người Huế cả, hầu hết đều là người quảng Nam với chất giọng lơ lớ. Mà cái kiểu bán trên xe này, phải con trai trộn bún, pha nước mới hay chứ. Thành ra cả mấy năm lui tới, tôi vẫn thấy chị vợ bé nhỏ lăng xăng dọn bàn, dọn chén giúp chồng chứ không là người đứng bếp chính.

Cả cậu bạn bằng tuổi ở dọc làng đại học khu Hồ Đắc Di, ba anh em dạo trước còn giúp nhau mở ra quán ốc ba chàng trai dọc phố phục vụ cho sinh viên, thế mà bẵng mấy tháng sau khi tôi ra trường đến lại, các anh đã có hẳn một đội ngũ nhân viên xinh đẹp chạy tới chạy lui. Chất giọng Thanh Hóa nom rứa mà cũng nhẹ nhàng với: “Dạ chị có nước mắm, dạ chị ăn ốc gì, dạ chị hến xào có cay không...” Tôi mới 23, lại được ông chủ bằng tuổi gọi là chị suốt nhưng chẳng thấy buồn, cứ cảm được mình như thượng đế nên vui thật, thế là lui tới mãi.

Trong một khoảnh khắc tôi chụp được đoạn tối ngồi ăn, có cảnh cô phục vụ vui vẻ ngồi rửa chồng dĩa cao ngất, trong khi anh chủ cứ luôn tay hất đều lòng chảo đầy ắp hến, hành... Dưới ánh đèn chạy từ bình ổn áp nhỏ dưới chân, bất giác thấy một khung cảnh thật đẹp, nơi đàn ông cũng biết vào bếp, phụ nữ cũng vui vẻ hỗ trợ đằng sau. Đôi bên cùng có lợi, thế là đời vui.

Bài, ảnh: HANI