Đại diện nhóm tác giả (TS. Nguyễn Hữu Chúc và anh Lê Văn Hóa) bên chiếc máy cắt rau má.

Chế tạo 3 phiên bản mới thành công

Đó là kết quả của nhóm nghiên cứu giảng viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế gồm TS. Nguyễn Hữu Chúc, ThS. Ngô Viết Anh Văn, ThS. Trần Đại Hiếu, TS. Nguyễn Văn Anh và cựu sinh viên của trường là anh Lê Văn Hóa với đề tài thiết kế, chế tạo máy cắt rau má.

Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu, Thừa Thiên Huế có nhiều vùng trồng rau má, nhất là xã Quảng Thọ (Quảng Điền). Với diện tích hơn 50ha, việc thu hoạch bằng tay phải bỏ ra số tiền (hơn 2,5 tỷ đồng/năm) cho chi phí thu hoạch. Việc cắt và thu gom rau má bằng tay có năng suất thấp (trung bình khoảng 150kg/người/ngày), đồng thời người dân thường dẫm đạp lên luống rau, làm dập các gốc cây khiến cây khó phát triển.

“Hiện nay trên thị trường Việt Nam cũng như thế giới chưa có máy chuyên dùng cho việc cắt rau má. Sau gần 2 năm nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm, nhóm đã hoàn thiện được máy cắt rau má”, TS. Nguyễn Hữu Chúc - chủ nhiệm dự án chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Hữu Chúc, với máy phiên bản thứ nhất, kết cấu bộ phận lưỡi cắt chưa tốt và máy chỉ hoạt động tối ưu khi di chuyển trong khoảng 1,5 – 1,7 km/h, do xảy ra hiện tượng tồn ứ ở lưỡi cắt, làm giảm năng suất của máy.

Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất thiết kế và chế tạo máy thu hoạch phiên bản thứ hai để khắc phục những nhược điểm của máy thứ nhất. Với phiên bản thứ hai, máy cho năng suất cao hơn nhờ cải tiến trong việc nâng cao năng suất động cơ và tạo thuận lợi cho người đẩy máy.

Người dân đã dùng thử nghiệm và nhận xét máy cho năng suất chưa cao do rau có mật độ dày. Hiện nay, nhóm đã làm ra máy cắt rau má phiên bản ba động cơ xăng.

Năng suất gấp 8-10 lần so với cắt tay

Máy có 5 bộ phận gồm, bộ phận cắt bằng cách sử dụng hai dao chuyển động ngược chiều; bộ phận vơ gom bằng cách dùng rulo cuốn rau từ bộ phận cắt. Bộ phận thứ ba là băng chuyền vận chuyển rau từ phần vơ gom lên bộ phận thu sản phẩm. Và cuối cùng là bộ phận phụ trợ với khung máy, bộ phận truyền động, bộ phận điều khiển và nguồn động lực.

Để sử dụng, người dân chỉ cần điều chỉnh lưỡi cắt thích hợp; sau đó, di chuyển máy. Thông qua lưỡi cắt, rau má bị cắt khỏi thân cây, rulo sẽ cuốn rau lên băng tải. Rau từ băng tải chạy lên hướng vào giỏ. Đến khi giỏ đầy rau má, người dân tiến hành thay giỏ khác.

TS. Nguyễn Hữu Chúc thông tin, ưu điểm của máy là cắt rau và thu gom tại chỗ cho năng suất gấp 8-10 lần so với cắt thủ công, giải phóng sức lao động con người, giảm chi phí trong khâu thu hoạch và ổn định nghề trồng rau má.

Là một người nông dân trồng rau má, ông Cao Quảng Hòa (thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ) nhận xét: Nếu máy cắt rau má áp dụng trên đất đai bằng phẳng thì rất đạt. Tuy nhiên, nếu trên đất gồ ghề thì khó hơn và mất công về nhà lượm lại rau xanh và rau vàng.

Trong quá trình thực hiện dự án, do mặt ruộng trồng rau má không bằng phẳng nên việc thiết kế hệ thống để cắt đều rau gặp nhiều khó khăn. Do đó, nhóm tác giả phải thực hiện nhiều phiên bản thiết kế máy”, TS. Nguyễn Hữu Chúc cho hay.

Được biết, vào cuối năm 2017, kết quả của dự án đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế nghiệm thu, mở ra nhiều triển vọng áp dụng trong việc thu hoạch các cây rau khác trên địa bàn xã Quảng Thọ và các HTX khác trên cả nước.

Hiện nay, nhóm đã bán một chiếc máy cho một công ty ở tỉnh Bình Định. Ngoài ra, một số cá nhân, công ty ở Bình Định và Lâm Đồng cũng đã đặt hàng mua máy để cắt rau má, rau xà lách, rau khoai lang…

Nhóm mong muốn thương mại hóa sản phẩm này với giá rẻ nếu tìm được nguồn vật liệu rẻ (hiện tại bán 9,9 triệu đồng/máy); qua đó, góp phần áp dụng công nghệ cơ giới hóa vào đời sống sản xuất.

Bài, ảnh: Xuân Quảng