Mặc dù một số thông số đo được nằm trong ngưỡng cho phép, song người dân vẫn bức xúc về khí thải gây ô nhiễm tại một số cơ sở sản xuất giấy ở Cụm công nghiệp Thủy Phương

Tại một cuộc hội nghị trực tuyến về bảo vệ môi trường (BVMT) gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đặt ra câu hỏi có phải do các quy chuẩn về BVMT của nước ta chưa theo kịp với các yêu cầu, diễn biến mới của quá trình hội nhập? Việc đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng chưa chú trọng đúng mức tới công tác kiểm tra, giám sát?

Bộ TN&MT cho rằng, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý Nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng của các báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án (DA) đầu tư, đặc biệt là một số DA đầu tư lớn chưa cao, chưa phát huy tốt hiệu quả của công cụ phòng ngừa ô nhiễm. Trong khi đó, còn thiếu các cơ chế, tiêu chí về môi trường để sàng lọc hiệu quả các loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất, các DA đầu tư vào khu vực nhạy cảm về môi trường. Minh chứng là hiện nay, một số DA có quy mô lớn ở nhiều địa phương được cấp phép song thiếu tính toán về quy hoạch, chưa được đánh giá đầy đủ các tác động tới môi trường nên đã xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong Nhân dân. Thậm chí có những DA, mặc dù qua kiểm tra, quan trắc một số thông số phổ biến về môi trường đều đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quy định, song người dân vẫn chưa "phục" vì qua trực quan vẫn dễ dàng nhận thấy ô nhiễm bầu không khí, môi trường nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

Trước thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, ngành môi trường cần sớm rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm về công tác quản lý môi trường, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến. Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường ngành phải nghiêm ngặt hơn các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nói chung, đặc biệt chú trọng các ngành nhuộm, thuộc da, sản xuất giấy, nhựa, luyện thép từ quặng...

Một nguyên nhân nữa là nhiều cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, vị trí hoạt động không đảm bảo về giới hạn khoảng cách an toàn, nên ảnh hưởng đến đời sống sinh họat, sản xuất. Thực trạng này tồn tại phổ biến nhất ở các làng nghề truyền thống như đúc đồng, chế biến tinh bột sắn, bún tươi, nước mắm. Một số cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh do không được quy hoạch đồng bộ, có tầm nhìn xa và kiểm soát chặt việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường trước và trong quá trình hoạt động nên đã sớm bộc lộ những bất cập về môi trường.

Hiện nay, báo cáo đánh giá tác động môi trường là một trong những cơ sở pháp lý chính để quản lý xuyên suốt quá trình chuẩn bị, xây dựng và thực hiện DA. Tuy nhiên, qua thực tế, điều này không còn phù hợp, thiếu hành lang pháp lý mạnh để quản lý cơ sở trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp không đầu tư hệ thống xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, nên dẫn đến phát sinh ô nhiễm. Theo kiến nghị của Sở TN&MT, ngoài báo cáo báo cáo đánh giá tác động môi trường nên xây dựng các công cụ quản lý mạnh về tài chính để quản lý hiệu quả môi trường các DA trước và trong quá trình hoạt động, cũng như có chính sách ưu tiên đối với các cơ sở áp dụng công nghệ xanh, sản xuất sạch...

​Hoài Nguyên