Phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm có nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ người nghèo. Hoạt động giúp đỡ người nghèo ngày càng được xã hội hóa, với nhiều hình thức đa dạng. Người có tiền giúp tiền, có gạo giúp gạo, không có vật chất thì giúp bằng công sức lao động, kinh nghiệm làm ăn... Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2013, Quỹ Vì người nghèo của tỉnh tiếp nhận được trên 45,3 tỉ đồng từ cuộc vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội. Trong đó, Quỹ Vì người nghèo vận động từ 3 cấp đạt hơn 15,7 tỉ đồng. Với số tiền vận động được, Ban vận động đã hỗ trợ xây dựng nhà mới, sửa chữa nhà, xây dựng trường mẫu giáo; giúp người nghèo phát triển sản xuất, khám chữa bệnh; giúp học sinh nghèo vượt khó, trợ giúp khó khăn cho hộ nghèo…

Thực tế, người nghèo thường khó khăn nhiều mặt, nhưng nguyên nhân dẫn đến đói nghèo lại không ai giống ai. Có người do thiếu sức lao động, thiếu tư liệu, vốn sản xuất, có người lại thiếu kinh nghiệm, kiến thức làm ăn, khả năng quản lý chi tiêu… nên việc giúp đỡ người nghèo cũng phải có những cách làm khác nhau mới đạt hiệu quả cao và bền vững. Trước đây, chúng ta thường giúp đỡ người nghèo bằng cách cứu trợ mùa giáp hạt. Tiếp đó là câu chuyện “cần câu, xâu cá” được đặt ra. Việc giúp đỡ bắt đầu hiệu quả hơn, thông qua việc giúp “cần câu” và dạy “cách câu” cho người nghèo. Nhưng chỉ dừng lại đó vẫn chưa đủ, mà cần phải dạy thêm cách chế biến, bảo quản, sử dụng và bán ở đâu để có lợi nhất thì việc xoá nghèo mới đạt hiệu cao và quả bền vững...

Để làm được điều này, chúng ta cần học tập cách làm của các tổ chức quốc tế khi triển trai các dự án hỗ trợ phát triển sinh kế, xoá đói giảm nghèo ở nước ta nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Trước khi triển khai dự án, họ thường khảo sát kỹ khó khăn, nhu cầu, khả năng của đối tượng tham gia dự án, từ đó đề ra biện pháp giúp đỡ thiết thực, hiệu quả, bền vững. Có những trường hợp, không nhất thiết hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng cần giúp đỡ, mà thông qua đầu tư cho người có khả năng quản lý, tạo việc làm cho đối tượng cần giúp đỡ để họ có thu nhập ổn định. Có trường hợp, để giúp đỡ một người nghèo, họ kỳ công khảo sát, tìm 1-2 người có uy tín và khả năng tác động đến đối tượng và thông qua những người này để hỗ trợ vốn, cách quản lý... Điều này cho thấy, giúp đỡ người nghèo là công việc không hề đơn giản. Có tiền đã khó, nhưng làm cách nào để đồng tiền hỗ trợ phát huy hiệu quả và giúp người nghèo thoát nghèo bền vững lại càng khó hơn. Nếu không làm tốt điều này, mọi sự nỗ lực trong công tác xoá đói giảm nghèo chỉ như muối bỏ bể, người nghèo sẽ lại hoàn nghèo.

Hoàng Giang