Việc lựa chọn cho gia đình những bữa ăn ngon và lành luôn là công việc không đơn giản trong nhiều năm gần đây

Giọt nước tràn ly

- Anh uống pha sẵn hay phê phin?/-Pin đi!/ -?!! ...Một thoáng ngẩn ra, rồi cả chủ và khách cùng cười òa. Cô chủ quán hấp ta hấp tấp: "Các anh yên tâm, cà phê bọn em lấy có nguồn gốc cả, không có bậy bạ đâu mà lo..."

Vụ việc động trời cà phê trộn pin bị phát hiện ở Đăk Nông đã trải qua được ít tuần rồi vẫn đang là đề tài nóng hổi ở trên khắp mọi diễn đàn, từ báo chí cho đến bàn nhậu, quán cà phê, công sở, giảng đường, mạng xã hội... Nhận xét chung là thật kinh khủng, thật dã man ngoài sức tưởng tượng! Các "tín đồ" cà phê ai cũng ngay ngáy âu lo. Cũng may là sau đó có tin "cà phê pin" đó là để trộn vào tiêu; tiêu đó không phải để bán cho người ăn mà dùng để... "vay ngân hàng" (?!!). Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Đăk Nông phải nghiêm túc khởi tố vụ án. Cơ quan điều tra cũng đã vào cuộc và bắt tạm giam những người vi phạm. Bản chất của vụ việc như thế nào rồi sẽ được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, "cà phê pin", và vụ "thuốc chữa ung thư", "thực phẩm chức năng" Vinaca than tre bị phát giác gần đó đã như những giọt nước tràn ly, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đang bủa vây xã hội.

Đã đến lúc xã hội không còn có thể chịu đựng hơn được nữa tình cảnh "tứ bề thọ độc". Ăn một miếng thịt, một con cá, con tôm, một nắm rau, quả mướp, thậm chí cả củ hành củ kiệu đều có khả năng... ăn thuốc độc cả. "Heo 2 chuồng, rau 2 luống" là thực tế đau lòng có thật mà ngay chính Thủ tướng Chính phủ đã từng phải cảnh báo trên nhiều diễn đàn chứ không còn là tin đồn nữa. Xã hội hoang mang đến độ nhiều người động viên nhau nhắm mắt đưa chân: "Ăn chết không ăn cũng chết. Thôi, thà ăn, có chết cũng... chết no " (!??). Ai đó "đầu độc" dân ta hay không chưa biết, nhưng dân ta tự đầu độc dân ta là một sự thật nhãn tiền. Không tin, hãy lật lại báo chí, tua lại chương trình mà xem: Tẩm hóa chất vào thịt; bơm "chất lạ" vào tôm, vào cua để tăng trọng, tạo "trứng"; rồi thì 3-MCPD trong nước tương; hóa chất ướp xác trong bún; phẩm màu công nghiệp trong hạt dưa; thuốc kích thích tăng trưởng cho rau quả đến mức rau quả đã hái khỏi cây rồi vẫn tiếp tục lớn; kinh hoàng hơn nữa là thứ rượu "đoạt mạng" đã liên tiếp tướt đi mạng sống nhiều người cả trong nam lẫn ngoài bắc v.v... Liệt kê thôi cũng đã thấy rùng mình, nói gì đến chuyện ăn uống. Mà nên nhớ, đó chỉ là với những vụ bị phát giác, chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, cái phần chìm còn lại chắc hẳn còn phải khủng khiếp hơn nữa.

Phải nghiêm trị

Vi phạm nhiều, phát hiện cũng không ít, nhưng tại sao người ta vẫn cứ vi phạm, vẫn cứ xem thường sức khỏe, tính mạng người khác? Nhắm mắt cũng có thể trả lời ngay. Ấy là vì hám lợi, là vì mức xử phạt không đủ sức răn đe nên những kẻ vô nhân sinh ra nhờn mặt với pháp luật! Ngâm/tẩm/phun hóa chất không được phép (nghĩa là không khác gì "thuốc độc") vào thực phẩm, rau quả... rồi bán cho người tiêu dùng ăn uống, ấy là tội giết người! Ngoài ra nó còn phá hoại nền kinh tế; làm băng hoại đạo đức, xói mòn niềm tin giữa con người với con người; gây tổn thương hình ảnh dân tộc Việt Nam vốn vẫn được biết đến là dân tộc của những con người hiền hòa, nhân hậu... Bên cạnh, nó còn để lại những di lụy khôn lường cho xã hội bởi những gánh nặng chi phí y tế, vì sự bào mòn sức vóc nòi giống... Tội ấy phải được nghiêm trị mà hình phạt dù nặng bao nhiêu có lẽ xã hội cũng chưa cảm thấy thỏa mãn.

Thực ra, hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã được Việt Nam đưa vào pháp luật hình sự và khung hình phạt ngày càng nặng. Tuy nhiên, có thể do thuộc tính "duy tình" của dân ta, do vướng này vướng nọ nên số vụ vi phạm bị xử lý hình sự không nhiều, không đủ sức răn đe. Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) quy định rõ ràng, cụ thể hành vi vi phạm nào tương ứng mức chế tài xử phạt ra sao, trong đó đối tượng vi phạm có thể bị phạt tù lên 20 năm. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP để triển khai nhiệm vụ 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu tăng cường thông tin, tuyên truyền những quy định mới về xử lý các hành vi vi phạm ATTP của Bộ luật Hình sự sửa đổi; cũng tại cuộc họp này, lãnh đạo Cục Cảnh sát Môi trường cho biết nhiều khả năng số vụ vi phạm ATTP bị xử lý hình sự sẽ tăng mạnh từ năm nay. Không lâu sau cuộc họp này, thuốc chữa ung thư "Vinaca than tre", "cà phê pin" Đăk Nông vỡ lở làm chấn động dư luận. Không cần phải thăm dò khảo sát vẫn có thể biết rằng, ai cũng đang ngóng chờ sự vào cuộc thật rốt ráo, thật công tâm và nhanh chóng của các cơ quan bảo vệ pháp luật để làm sáng tỏ bản chất vụ việc; bắt những kẻ thủ ác-dù trực tiếp hay là gián tiếp- phải trả giá thích đáng cho hành vi vô nhân của họ, cũng là để làm tấm gương răn đe, buộc những ai đã, đang và sẽ có ý đồ vi phạm phải rụt tay co vòi.

Tuyên truyền, động viên, giải thích đã quá nhiều. Xã hội ta thán cũng đã lắm. Đã đến lúc cần phải tuyên chiến mạnh mẽ với loại tội phạm VSATTP bằng thanh gươm luật pháp, may ra mới có thể bảo vệ sức khỏe nòi giống, bảo vệ môi trường sống an toàn trước khi quá muộn.

Bài, ảnh: Hiền An