Ngay lập tức, bài văn nhận được hàng chục like cùng những lời khen có cánh: “Con giỏi qúa”, “Bài văn hay tuyệt đỉnh”, “Con là niềm tự hào của dòng họ ...”.

Bạn bè thì đã quen, với những thành tích đáng tự hào của cậu bé qua những thông báo được cập nhật kịp thời của mẹ. Khi thì một giải học sinh giỏi toán. Khi thì một cuộc thi hùng biện tiếng Anh. Khi thì một tiết mục văn nghệ ở trường... Qua facebook, cậu bé trong mắt mọi người thật đáng ngưỡng mộ và ao ước.

Một hôm, nhân đầu năm mới, bạn bè hẹn nhau gặp mặt. Ai cũng xúm xít bên cậu bé, không ngớt khen ngợi. Bạn cười, rạng ngời hạnh phúc, riêng cậu bé thì lại lúng túng, ngượng ngùng.

Suốt buổi vui, câu chuyện của người lớn nóng lên với những kinh nghiệm dạy con được chia sẻ, nào là học ở đâu, thầy nào, mua sách gì... Đang rôm rả thì cậu bé khều khều mẹ, muốn về. Lúc này, mọi người mới nhận ra, cậu bé suốt buổi ngồi yên một chỗ trên ghế, trong khi những đứa trẻ khác đã quấn lấy nhau để chơi đùa.

- Con ra chơi với các bạn đi- Mọi người khuyến khích nhưng cậu bé không hào hứng, chỉ cười trừ.

- Từ nhỏ cháu đã không hứng thú với việc chơi, suốt ngày cắm cúi sách vở thôi- Bạn đỡ lời thay con. 

Không nỡ để con ngồi mãi một mình, bạn xin lỗi rồi về sớm. Cậu bé vội vàng chào mọi người, như trút được gánh nặng.

Nhìn cậu bé tròn trĩnh với cặp kính dày chầm chậm theo mẹ, mọi người bỗng im lặng. Có lẽ những kỳ thi, những điểm số, những bài tập, bộ đề... với những giải thưởng đầy áp lực từ các kỳ thi đã đánh mất sự hồn nhiên, vui tươi và nhu cầu được chơi của cậu bé “thần đồng”.

Kim Oanh