Theo GS Trần Quốc Vượng thì chợ không chỉ biểu thị mối quan hệ ứng xử giao đãi theo chiều ngang mà còn biểu thị mối quan tâm theo chiều dọc nội tâm nữa. Thế nên, chợ Đông Ba được bình chọn không chỉ vì có 114 năm hình thành và phát triển mà vì dòng chảy văn hoá mà chợ đã “chở” trong mình trong suốt những năm tháng rộng dài ấy. Nơi mà ở đó, người ta không chỉ mua sắm mà còn có thể nhận diện được qua văn hoá ẩm thực về lối sống, phong thái, cốt cách con người của một vùng đất. Cái làm nên đặc trưng, hẳn nhiên phải là sự hội tụ của những gì tinh tuý nhất, vừa riêng nhất lại vừa có thể là trở thành đại diện cho cả một vùng miền...

“Giá trị” của chợ Đông Ba đã được thừa nhận cả về tính lịch sử và văn hoá chứ không chỉ đến bây giờ, khi có sự công bố về một vị trí top thông qua sự bình chọn của một tổ chức nào đó. Tuy nhiên, điều quan tâm hiện nay là, với sự thay đổi của đời sống thời công nghệ số - nơi mà nhiều giao dịch mua bán, trao đổi có thể được thực hiện qua mạng internet thông qua một cú click chuột; với sự hiện diện của các siêu thị tiện ích như Big C và Coop mark, làm thế nào để Đông Ba vừa hội nhập được với xu thế mới, vừa giữ được bản sắc và đặc trưng riêng có để “du khách” và cả người dân “quan tâm mua sắm nhất” chính là vấn đề cần phải suy nghĩ. Tôi cứ nghĩ, cái để hơn 3000 tiểu thương của chợ có thể cạnh tranh với các giao dịch khác chính là ứng xử trong văn hoá mua bán, trao đổi; là cung cách và thái độ phục vụ nhẹ nhàng, tận tình, chu đáo. Nói một cách khác đi, đó chính là văn hoá chợ trong chiều sâu của sự kế tục và phát huy. Tất cả được đặt trong tổng quan chung về một ngôi chợ phải vừa có tính truyền thống, vừa phù hợp với những nhu cầu mà đời sống hiện đại đòi hỏi.
An Nguyễn