Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ là công trình trọng điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: VOV

“Điểm hẹn lịch sử”

Dù trong Kế hoạch Navarre, đến mùa thu 1955 mới đưa quân ra miền Bắc để tập trung đánh đòn chiến lược quyết định với quân chủ lực của Võ Nguyên Giáp sau khi đã bình định xong Nam bộ và “thanh toán” được vùng tự do Liên khu 5, nhưng trong thế chiến lược bị động, phải đối phó với nhiều đòn tiến công ở nhiều hướng chiến trường trọng yếu, viên Tổng chỉ huy Pháp đã quyết định chọn giao chiến ở Điện Biên Phủ.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp mở rộng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ và thông qua kế hoạch tác chiến do Tổng Quân ủy trình bày. Đại tướng Tổng Tư  lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch.

Điện Biên Phủ trước đó vô danh trong bản đồ quân sự, lúc đầu chưa có trong Kế hoạch Navarre, cũng chưa có trong kế hoạch tác chiến của Võ Nguyên Giáp đã trở thành nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược.

Khó khăn thách thức quyết tâm

Bằng cách tiến hành các chiến dịch đột kích vào những vùng hậu phương của Việt Minh, H. Navarre đã tạo ra sự khác biệt với những người tiền nhiệm. Điều này gây ra cảm nhận rằng quân Pháp đang giành lại thế chủ động và Mỹ đã đồng ý viện trợ riêng cho Kế hoạch Navarre với con số gần bằng số viện trợ cho cả Đông Dương trong tài khóa 1953 - 1954.

Về binh lực và hỏa lực của hai bên, chỉ cần nhìn vào các số thống kê dễ thấy rằng, phía Pháp chiếm ưu thế tuyệt đối về không quân, vận tải đường không và xe tăng; chiếm ưu thế lớn về pháo binh hạng nặng; chiếm ưu thế về hệ thống công sự phòng ngự được xây dựng kiên cố vững chắc. Điều đáng nói hơn là những vũ khí quân Pháp sử dụng có chất lượng tốt hơn nhiều so với vũ khí của bộ đội Việt Minh.

Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp còn phải đối phó với khó khăn lớn về bảo đảm hậu cần cho cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ khi chiến trường ở rất xa căn cứ chính và lực lượng vận tải cơ giới trong tay ông còn rất nhỏ bé. H. Navarre và hầu hết các sĩ quan của Bộ Tham mưu quân viễn chinh cho rằng việc ông Giáp tập trung tới 4 đại đoàn trên hướng Điện Biên Phủ là một “dự án thiếu thực tế”. Với so sánh lực lượng và tính toán như vậy, H. Navarre rất “vui vẻ” cho rải truyền đơn “Thách tướng Võ Nguyên Giáp tiến công Điện Biên Phủ”.

Trí tuệ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp

Đáp trả Kế hoạch Navarre, tướng Giáp dùng quân chủ lực phối hợp với các lực lượng địa phương, chủ động mở các cuộc tiến công lên Tây Bắc, Trung Lào và Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, lấy Tây Bắc làm hướng chính. Phối hợp các đòn tiến công của bộ đội chủ lực, chiến tranh du kích phát triển mạnh ở các vùng địch hậu, đồng bằng Bắc bộ, Bình Trị Thiên, cực nam Trung bộ và Nam bộ. Những đòn tiến công trên nhiều hướng đã buộc Pháp phải “xé nhỏ” lực lượng chủ lực để đối phó. Navarre đã mất dần thế chủ động. Ông ta không cân bằng được mâu thuẫn giữa việc tập trung binh lực để tạo thành những “quả đấm mạnh” với việc phải dàn mỏng lực lượng cho việc bình định và bảo vệ những vùng đất đã chiếm được.

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện, bắt tay đồng bào Điện Biên trong chuyến thăm Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Internet

Trên hướng chính Điện Biên Phủ, chiều 12/1/1954, phương án “đánh nhanh thắng nhanh” được đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy mặt trận họp ở hang Thẩm Púa. Ngày 14/1/1954, các đơn vị, các binh chủng được giao nhiệm vụ theo phương án này. Trước những thay đổi quan trọng của tình hình, sáng 26/1/1954, tại cuộc họp Đảng ủy mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra quyết định “khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”: “Tôi nhận thấy phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu một cách đánh khác dù bộ đội có thắc mắc. Phải chuyển từ phương án “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”.

Bằng phương án mới “đánh chắc tiến chắc”, bằng chiến thuật mới: Bao vây đánh lấn từng bước, tiêu diệt từng bộ phận địch, tiến dần từ ngoại vi vào trung tâm, tập trung binh lực, hỏa lực tạo nên sức mạnh áp đảo, bộ đội của Võ Nguyên Giáp đã thắng dứt điểm từng trận. “Con nhím Điện Biên Phủ” bị nhốt trong cũi và bị nhổ dần từng chiếc lông nhọn và độc. Từ ngày 27/3, nguồn tiếp tế đường không bị cắt đứt hoàn toàn. Các máy bay của Pháp chỉ có thể hoạt động trên chiến trường Điện Biên Phủ 10 phút trước khi buộc phải quay về Hà Nội.

Lần lượt từng cứ điểm bị tiêu diệt. Các cứ điểm còn lại nằm trong vòng vây ngày càng siết chặt. Sân bay bị khống chế đã làm cho tập đoàn cứ điểm ngày càng bị bóp nghẹt, không phận ngày càng bị thu hẹp, khó khăn ngày càng chồng chất, tinh thần chiến đấu của quân Pháp ngày càng sa sút. Và rồi cái kết cục bi thảm cuối cùng với quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã đến vào lúc 17h40 phút ngày 7/5/1954.

Vĩ thanh

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo đội quân của Nhân dân Việt Nam đi qua cuộc trường chinh hơn 30 năm của cả dân tộc. Thắng lợi của cuộc trường chinh đó cũng vinh danh một vị tướng của Nhân dân trở thành một huyền thoại quân sự trong thế kỷ 20 khi ông còn đang sống.

Thủ tướng Ấn Độ Chandra Shekhar (năm 1990) đã nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Là học trò và bạn chiến đấu của Hồ Chí Minh, Đại tướng đã thể hiện tài năng chiến thuật, sự táo bạo và sáng tạo tuyệt vời. Các chiến dịch do ngài chỉ huy đã trở thành kinh điển, được các nhà quân sự cũng như các học giả nghiên cứu. Chiến thắng mà ngài giành được ở Điện Biên Phủ chống lại những thế lực mạnh hơn mình gấp nhiều lần đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Mỗi khi người ta ca ngợi những hành động quả cảm và chủ nghĩa anh hùng thì Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được nhắc đến”.

 TS. Ngô Vương Anh