Sự mất an toàn lao động không chỉ xảy ra tại các mỏ khai thác đá mà đang diễn ra phổ biến tại các khu vực sản xuất khác. Tại TP. Huế hôm 25/4, một vụ sập giàn giáo khi đang thi công cây xăng trên đường Ngự Bình khiến 12 công nhân bị vùi trong đống đổ nát; rất may không có thiệt hại nghiêm trọng về người. Trước đó, nhiều vụ sập giàn giáo đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành khiến nhiều người thương vong; trong đó, phải kể đến vụ sập giàn giáo tại công trường Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp, Formosa, Hà Tĩnh, tối 25/3/2015 khiến 13 người chết, 29 người bị thương…

Số liệu từ Cục An toàn lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố tại buổi họp báo về việc tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018 hôm 18/4 vừa qua khiến nhiều người không khỏi giật mình. Riêng trong năm 2017, cả nước xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động, khiến hơn 900 người chết, gần 2.000 người bị thương… Con số này có lẽ chỉ đứng sau thiệt hại về tai nạn giao thông (năm 2017, cả nước xảy ra hơn 20.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 8.200 người, bị thương hơn 17.000 người). Điều này cho thấy, tai nạn lao động là một trong những nguy cơ lớn của xã hội hiện nay.

Cũng theo đánh giá, nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động chủ yếu do chủ quan từ phía người sử dụng lao động và người lao động. Nhiều trường hợp tai nạn, nếu người lao động thận trọng hơn thì tai nạn đã không xảy ra. Chẳng hạn như vụ tai nạn hôm 8/5/2016, tại Công ty TNHH Luks –Trường Sơn (Hương Trà), làm 1 công nhân thiệt mạng, khi đang sửa chữa băng chuyền thì băng chuyền bất ngờ hoạt động cuốn vào gầm. Nếu cắt cầu giao điện trước khi sửa chữa thì sự việc đáng tiếc đã không xảy ra…

Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm nay với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” sẽ diễn ra trong suốt tháng 5 này. Cùng với nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động đối với người sử dụng lao động và người lao động thì việc kiểm tra, xử lý các yếu tố nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động là rất cần thiết; từng bước chuyên nghiệp hóa, để người lao động và người thân yên tâm với môi trường làm việc. Bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng thì thái độ của người lao động cũng rất quan trọng; sẵn sàng từ chối làm việc, góp ý với chủ sử dụng lao động, báo với ngành chức năng về điều kiện lao động thiếu an toàn để chấn chỉnh, nhằm  bảo đảm an toàn cho mình và những người xung quanh; góp phần hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Đặng Thành