Trường hợp có nguy cơ cao
Theo WHO, dự báo đến năm 2020, ước tính trên thế giới có khoảng 80 triệu người bị mắc bệnh Glôcôm. Số liệu điều tra về sức khỏe gần đây ở Việt Nam cho thấy, Glôcôm là nguyên nhân thứ 3 gây mù sau đục thể thủy tinh và các bệnh đáy mắt với tỉ lệ là 4%. Bệnh Glôcôm xảy ra ở mọi lứa tuổi kể cả trẻ em. Tuy nhiên, thông thường bệnh xảy ra nhiều ở người trên 40 tuổi, tiền sử gia đình có người bị bệnh Glôcôm, cao huyết áp, đái tháo đường, từng bị chấn thương hay phẫu thuật mắt… Đặc biệt, một số bệnh nhân lớn tuổi, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, ít được khám mắt định kỳ. Một số trường hợp do tự sử dụng thuốc chống viêm thuộc nhóm steroid để nhỏ mắt hoặc uống trong một thời gian dài cũng tăng nguy cơ mắc bệnh Glôcôm rất cao.
Mới đây, bà G. (TDP 5, phường Hương Xuân, TX Hương Trà) đến khám tại Bệnh viện Mắt Huế trong tình trạng đau đầu vùng bên, thị lực giảm, được chẩn đoán là bị Glôcôm. Dù được các bác sĩ kịp thời phẫu thuật, tuy nhiên thị lực của bà G. không phục hồi được như trước. Ước tính ở Thừa Thiên Huế có khoảng 7.000 người mù hai mắt, trong đó 16% số người mù là do bệnh Glôcôm và bệnh lý đáy mắt. Hiện nay, tại Khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Huế đã khám và điều trị cho trên 1.000 bệnh nhân mắc bệnh. Trong đó, có một số trường hợp phát hiện bệnh glocom muộn dù đã tiến hành phẫu thuật nhiều lần nhưng vẫn không tìm lại được ánh sáng. Có trường hợp do không tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ nên nguy cơ tái phát bệnh rất cao.
Bác sĩ CK II Phạm Minh Trường, Giám đốc BV Mắt Huế cho biết, dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh Glôcôm là đau nhức mắt dữ dội, nhức đầu cùng bên với mắt đau, mờ thị lực nhanh, chóng mặt, buồn nôn, chảy nước mắt… Khi đi khám mắt, bác sĩ sẽ thấy giác mạc phù, đồng tử giãn, kết mạc ngưng tụ, giảm thị lực, chỉ số đo nhãn áp cao. Đây là thời điểm bệnh rơi vào giai đoạn cấp, phải điều trị để đưa nhãn áp về bình thường giúp thị lực cải thiện dần.
Theo bác sĩ Trường, khi mắt đau nhức dữ dội là bệnh đã vào giai đoạn nặng, điều trị khó khăn, phức tạp, có khi phải điều trị suốt đời. Đa phần bệnh nhân được phát hiện bệnh một cách tình cờ khi đi khám các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt. Để xác định bệnh này, bệnh nhân phải được đo thị lực, đo nhãn áp, soi đáy mắt mới chẩn đoán chính xác bệnh.
Khám mắt theo định kỳ
Theo bác sĩ CK II Phạm Như Vĩnh Tuyên, Phó Trưởng khoa Mắt, BV Trung ương Huế, bệnh Glôcôm không thể chữa khỏi, những vùng thần kinh thị giác bị tổn thương sẽ không hồi phục được, chỉ điều trị các triệu chứng để bệnh chậm tiến triển. Do đó, điều trị nội khoa rất quan trọng. Người bệnh sẽ được điều trị ngay sau khi chẩn đoán bệnh bằng tra mắt và uống thuốc hạ nhãn áp. Các thuốc này phải được sử dụng theo chỉ định, dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ nhãn khoa.
Bệnh nhân phải tái khám định kỳ, tuân thủ nghiêm chỉnh phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa mắt nhằm kiểm soát được áp lực nội nhãn và ngăn ngừa sự tổn hại thần kinh thị giác. Có những trường hợp sau khi điều trị nội khoa thấy mắt không còn nhức đã tự ý ngưng điều trị khiến bệnh tái phát, thị lực ngày càng xấu. Việc điều trị càng khó khăn, hiệu quả không cao.
Hiện nay, số người mắc bệnh Glôcôm trong cộng đồng chưa được phát hiện khá lớn. Nguyên nhân do đôi khi bệnh không thể hiện triệu chứng đến lúc phát hiện mắt mờ thì đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Vì thế, các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyên người dân cần đi khám mắt định kỳ để phát hiện sớm để điều trị kịp thời. "Bệnh Glôcôm là bệnh mãn tính cần điều trị lâu dài. Do vậy, bệnh nhân nên kiên trì và tin tưởng vào quá trình điều trị của bác sĩ". Bác sĩ Tuyên nói.
Minh Văn