Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, bà Jan Beagle. Ảnh: UN

Thông tin trên đã được Phó Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Jan Beagle tiết lộ sau một cuộc gặp cấp cao của đại diện các cơ quan trực thuộc Liên Hiệp quốc ở London (Anh), theo hãng tin Reuters. 

"Đó là một công cụ giám sát mà khi chúng ta đã xác định được các thủ phạm quấy rối tình dục bên trong hệ thống của Liên Hiệp quốc, chúng ta có thể đảm bảo rằng họ không thể lẩn đi xung quanh (để tìm việc mới)" - bà Beagle giải thích về "hệ thống giám sát" trên. 

Kế hoạch về việc đưa vào sử dụng công cụ kiểm tra này sẽ được công bố trong một phiên họp của những người đứng đầu các cơ quan trực thuộc LHQ ở London trong tuần này. 

Vị Phó Tổng thư ký LHQ cho biết nền tảng phát triển hệ thống này đã hoàn thiện và dự kiến được vận hành đầy đủ trong mùa hè năm nay. Hệ thống sẽ được quản lý bởi Ban Thư ký LHQ. 

Bà cho biết khi đạt được một số kinh nghiệm trong việc sử dụng hệ thống này, LHQ hy vọng hệ thống sẽ được các cơ quan cứu trợ, các tổ chức phi chính phủ cùng các tổ chức khác ứng dụng. 

Các cơ quan hàng đầu của LHQ như Chương trình lương thực thế giới (WFO) và Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) trong năm 2017 đã sa thải một số nhân viên giữa làn sóng lo ngại các hành vi quấy rối tình dục tiếp tục được ém nhẹm mà không bị trừng phạt tại các văn phòng của LHQ trên toàn cầu. 

Hồi tháng 2, Phó Giám đốc điều hành của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Justin Forsyth cũng đã từ chức sau khi cuộc điều tra của tổ chức phi chính phủ Save the Children (Anh) cho thấy ông Forsyth từng có hành vi khiếm nhã đối với phụ nữ trong thời gian ông giữ chức Giám đốc điều hành quỹ từ thiện này. 

Phong trào#MeToo đã lan tỏa từ New York (Mỹ) ra khắp các quốc gia trên thế giới. Ảnh: AFP

Sau phong trào #MeToo nhằm giúp các nạn nhân bị quấy rối tình dục vượt qua nỗi sợ hãi để tố cáo kẻ đã xâm hại mình, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã công bố chính sách không dung thứ cho những hành vi quấy rối tình dục và cam kết sẽ tăng cường các biện pháp để xử lý những hành vi sai trái của các nhân viên LHQ. 

Năm ngoái, ông Guterres cũng đã bổ nhiệm bà Beagle làm người đứng đầu một nhóm đặc nhiệm chuyên giải quyết vấn đề này. 

Bà Beagle cho biết tại cuộc họp ở London vừa qua, các cơ quan trực thuộc LHQ cũng thảo luận các đường dây hỗ trợ 24/24 để giúp đỡ các nạn nhân bị quấy rối tình dục và thuê các nhà điều tra chuyên về vấn đề này.

Một cuộc khảo sát của Thomson Reuters hồi tháng 2/2018 cho thấy hơn 120 nhân viên đến từ các tổ chức từ thiện hàng đầu thế giới bị sa thải trong năm 2017 vì các "hành vi tình dục sai trái".

Theo Tuoitre